Ngày 8-10, Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC), Tướng Mô-ha-mát A-li Gia-pha-ri cảnh báo Mỹ rằng các lực lượng quân đội Mỹ trong khu vực sẽ bị trả đũa nếu Oa-sinh-tơn coi IRGC là nhóm khủng bố và áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, Chuẩn tướng Mohammad Ali Jafari. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bình luận được trang web của IRGC đăng tải, ông Gia-pha-ri nhấn mạnh, nếu thực thi động thái trên, Mỹ nên cân nhắc di chuyển các căn cứ quân sự của mình ra ngoài tầm phóng 2.000km của tên lửa I-ran.
Ông nêu rõ, hành động thù địch của Mỹ sẽ bị coi là vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà I-ran đã ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015, đồng thời cho rằng I-ran sẽ coi đó là cơ hội để phát triển “các chương trình tên lửa và phòng thủ trong khu vực”.
Em gái ông Kim Dâng-un được tiến cử vào Bộ Chính trị
Theo hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), trong một cuộc họp ngày 7-10 nhằm bàn thảo về một số thay đổi nhân sự ban lãnh đạo quốc gia, ông Kim Dâng-un đã tiến cử thành viên thân thiết trong gia đình - em gái Kim Dô dông (30 tuổi) làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
Bên cạnh việc tiến cử người trong gia đình, nhà lãnh đạo Kim Dâng-un còn kêu gọi hướng sự chú ý đến tình trạng đất nước càng ngày càng bị cô lập, đặc biệt là sau các lệnh trừng phạt kinh tế tăng cường từ Mỹ và LHQ phản ứng trước các lần phóng thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trước khi được tiến cử vào vị trí của Bộ Chính trị, cô Kim Dô dông giữ chức Phó Giám đốc của Cục Tuyên truyền Bình Nhưỡng. Cô cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ công bố tháng 1 đầu năm, cùng với 6 thành viên nội các Triều Tiên khác.
Kim Dô dông và nhà lãnh đạo Kim Dâng-un là hai anh em ruột. Cô được cho là có tầm ảnh hưởng ngang ngửa mức độ như vợ ông Kim Dâng-un - bà Ri Soi Du.
Thủ tướng Méc-ken đạt thỏa thuận về chính sách người di cư với đảng đồng minh CSU
Theo phóng viên TTXVN tại Béc-lin, ngày 8-10, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken, đại diện cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đã đạt được một thỏa thuận về chính sách người di cư với các đồng minh trong Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).
Đây được cho là thành công lớn của bà Méc-ken khi loại bỏ được một trở ngại lớn trong tiến trình đàm phán với các đảng khác để thành lập một chính phủ liên minh.
Theo thỏa thuận đạt được giữa Thủ tướng An-giê-la Méc-ken với lãnh đạo đảng đồng minh CSU, Đức đồng ý sẽ tiếp nhận khoảng 200 nghìn người nhập cư mỗi năm vì lý do nhân đạo, trong đó bao gồm cả những gia đình người tị nạn tại Đức.
Đây là vấn đề mà trước đó bà Méc-ken luôn bác bỏ vì cho rằng không hợp Hiến pháp Đức. Tuy nhiên, con số này không được cho là mức giới hạn về người tị nạn.
Cũng tại cuộc đàm phán, lãnh đạo 2 đảng CDU và CSU cũng nhất trí thúc đẩy một luật nhập cư nhằm ưu tiên cho những người nhập cư có tay nghề cao để có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động tại Đức.
Đây cũng là vấn đề được đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh ủng hộ. Hiện 2 bên vẫn tiếp tục thảo luận để cùng tìm được tiếng nói chung trong một số chính sách khác, trong đó có vấn đề lương hưu./.
Theo baotintuc.vn