Hệ lụy từ việc Ca-ta-lô-ni-a tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha

08:10, 31/10/2017

Với tỷ lệ 70 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng, trên tổng số 135 ghế, ngày 27-10, nghị viện vùng Ca-ta-lô-ni-a đã tuyên bố độc lập tách khỏi Tây Ban Nha. Động thái này ngay lập tức vấp phải những phản ứng cứng rắn từ chính quyền Trung ương Ma-đrít và sự phản đối của nhiều nước, nhất là các nước ở châu Âu, khiến tình hình trở nên rất phức tạp khó lường, trong bối cảnh diễn ra đàm phán Brexit và EU đang tìm kiếm mô hình phát triển mới.

Cờ biểu tình Ca-ta-lô-ni-a trên khán đài một trận đấu của UEFA ngày 18-10. Ảnh: Getty Images
Cờ biểu tình Ca-ta-lô-ni-a trên khán đài một trận đấu
của UEFA ngày 18-10. Ảnh: Getty Images

Từ tích tụ mâu thuẫn…

Xứ Ca-ta-lô-ni-a được hình thành vào thế kỷ thứ VIII, là sự hợp nhất của các tiểu vương quốc phía Đông Tây Ban Nha dưới quyền cai trị của bá tước xứ Bác-xê-lô-na Uy-phơ-rét He-ri. Mâu thuẫn đầu tiên khởi phát vào năm 987, xứ Ca-ta-lô-ni-a đã “ly khai” và trở thành một quận của Tây Ban Nha, với pháp luật, hải quan và cơ cấu chính trị riêng.

Sau chiến tranh Tây Ban Nha (1701-1714), xứ Ca-ta-lô-ni-a lại mất quyền tự trị. Theo đó, tiếng nói, chữ viết của Ca-ta-lô-ni-a cũng bị cấm sử dụng làm nảy sinh phong trào “Phục hưng văn hóa” đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX thì xuất hiện các tổ chức đảng phái chính trị yêu cầu sự độc lập hoàn toàn cho Ca-ta-lô-ni-a.

Đảng Nhà nước Ca-ta-lô-ni-a (Estat Cata) thành lập năm 1922 do ông Phrăng-séc Mác-xi-a lãnh đạo. Sau khi ông Mác-xi-a giành được thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố, ông tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Ca-ta-lô-ni-a vào ngày 14-4-1931. Tuy nhiên, sau khi đàm phán với chính phủ, xứ này chỉ được quyền tự trị (1932) và đến năm 1938 lại bị tướng Phrăng-cô bãi bỏ.

Năm 1975, Hiến pháp mới của Tây Ban Nha được ban hành, khẳng định sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng cũng thừa nhận “quyền tự chủ của các dân tộc và khu vực hình thành nên nó”. Hiến pháp đã được 88% cử tri ở Tây Ban Nha và hơn 90% người Ca-ta-lô-ni-a đồng ý. Theo đó “Quy chế về quyền tự trị của Ca-ta-lô-ni-a” cũng được phê chuẩn năm 1979 sau cuộc trưng cầu dân ý với 88% cử tri ủng hộ.

Đến toan tính thiệt hơn…

Ca-ta-lô-ni-a là khu vực giàu có nhất ở Tây Ban Nha và cũng là nơi được công nghiệp hóa ở mức cao nhất, gồm nhiều trung tâm công nghiệp chế biến kim loại, thực phẩm, dược phẩm, hóa chất và nhất là công nghiệp du lịch.

Ca-ta-lô-ni-a chỉ chiếm 16% dân số nhưng đóng góp tới 20% cho nền kinh tế Tây Ban Nha, năm 2014 khoản chênh lệch này lên tới 11,8 tỷ USD, khiến người Ca-ta-lô-ni-a cảm thấy họ bị thiệt thòi “đóng góp nhiều hơn nhận lại”. Theo khảo sát hồi tháng 7 số người ủng hộ ly khai đã là 41% trong khi có 49% số người phản đối.

Năm 2014, kết quả cuộc khảo sát không chính thức với khoảng 30% số cử tri tham gia, đã có 80% bày tỏ nguyện vọng độc lập. Trong cuộc bầu cử năm 2015, các đảng ủng hộ Ca-ta-lô-ni-a ly khai giành được 48% phiếu bầu, trong khi con số các đảng ủng hộ Tây Ban Nha chỉ là 40%.

Ngay từ năm 2006, khi Tây Ban Nha ban hành luật tự trị cho Ca-ta-lô-ni-a, Toà án Hiến pháp đã không công nhận với lập luận rằng, Ca-ta-lô-ni-a không phải là quốc gia nên không có “quốc tịch” riêng. Điều này đã gây phản ứng giận dữ của hàng triệu người bởi họ cho rằng, “họ đơn giản không phải dân Tây Ban Nha”.

Tuy nhiên, nhiều người phản đối Ca-ta-lô-ni-a độc lập lại là những người từ các vùng khác của Tây Ban Nha di cư đến đây. Họ quan ngại rằng nền kinh tế Ca-ta-lô-ni-a sẽ bị ảnh hưởng, nếu khu vực này tách khỏi Tây Ban Nha.

Một Ca-ta-lô-ni-a độc lập sẽ không thể gia nhập vào EU cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khiến chi phí xuất khẩu và nhập khẩu tăng cao và nhiều việc làm sẽ bị mất. Họ cũng quan ngại về sự đối xử phân biệt có thể xảy ra của dân bản xứ.

Vì thế, việc ly khai của Ca-ta-lô-ni-a sẽ còn là một chặng đường dài. Tây Ban Nha sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hoặc bất kỳ cuộc bầu cử độc lập nào trong khu vực này. Chính phủ Tây Ban Nha đã sẵn sàng cho các cuộc biểu tình lớn và thời kỳ khó khăn sẽ bắt đầu.

Và hệ lụy khó lường…

Ngay sau khi nghị viện vùng Ca-ta-lô-ni-a bỏ phiếu tuyên bố độc lập, ngày 28-10, người phát ngôn của Cơ quan công tố Tây Ban Nha cho biết trong tuần tới sẽ khởi tố nhà lãnh đạo vùng Ca-ta-lô-ni-a, Thủ hiến Ca-lét Puy-đê-mông với tội danh nổi loạn.

Nếu ông Ca-lét Puy-đê-mông bị kết tội nổi loạn có thể bị phạt tù tới 30 năm. Ngày 27-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Ma-ri-a-nô Ra-doi đã giải tán nghị viện Ca-ta-lô-ni-a và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21-12 tới.

Hàng loạt nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, I-ta-li-a và Đức đều lên tiếng khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Ca-ta-lô-ni-a vừa thông qua. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27-10 tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Ma-đrít trong việc duy trì một nước Tây Ban Nha thống nhất.

Ngày 28-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Đô-nan Túc-xcơ tuyên bố sẽ không công nhận nền độc lập của vùng Ca-ta-lô-ni-a và lên án tuyên bố độc lập đơn phương của Nghị viện vùng này. Ông Túc-xcơ nhấn mạnh: “Với EU, không có gì thay đổi, Tây Ban Nha là đối tác duy nhất của chúng tôi”.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương khẳng định Tây Ban Nha vẫn là một đồng minh quan trọng của NATO và cho rằng, cuộc khủng hoảng Ca-ta-lô-ni-a là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha nên cần phải được giải quyết bằng luật pháp của nước này.

Sự kiện vừa xảy ra, được dự báo là sẽ đẩy Tây Ban Nha vào vòng xoáy khủng hoảng tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Dù nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến thứ hai không quá lớn, song nhiều khả năng sẽ nảy sinh xung đột giữa lực lượng cảnh sát và những người ủng hộ độc lập.

Tờ Globe and Mail bình luận về cuộc khủng hoảng hiện nay với bài viết có tiêu đề “Nền dân chủ của Tây Ban Nha sẽ chỉ hỗn loạn hơn”, trong đó cho rằng cần có một bên nào đó đứng ra hạ nhiệt những mâu thuẫn này. Tuy nhiên, “Tây Ban Nha đã từ chối mọi đề xuất hòa giải từ bên ngoài”. 

Nhà bình luận Lu-i Bát-sét của tờ El Pais, người gốc Ca-ta-lô-ni-a viết: “Không những không có được độc lập, sau đây Ca-ta-lô-ni-a sẽ mất đi ảnh hưởng và vị thế của mình, sẽ không còn đủ sức mạnh như trước để đàm phán khi những nỗ lực khôi phục sự đồng thuận hiến pháp diễn ra. Tây Ban Nha cũng thiệt hại không kém, hình ảnh bị tổn hại, uy tín của các thể chế và tấm gương về sự khôi phục dân chủ và mở cửa ra thế giới sẽ bị xói mòn”.

Giới phân tích cho rằng, cái khó nằm ngay trong Hiến pháp năm 1975 của Tây Ban Nha khi khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, nhưng cũng thừa nhận “quyền tự chủ của các dân tộc và khu vực hình thành nên nó”. Tinh thần này cũng phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

Vì thế, giới quan sát và dư luận cho rằng, cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha khó xảy ra, nhưng điểm “nóng” chính trị - pháp lý sẽ kéo dài và hồi kết vẫn rất khó đoán định./.

Theo vov.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com