Ngày 5-10 vừa qua, Quốc vương A-rập Xê-út Sa-man Bin Áp-đu-la-dít An Sa-út đã lần đầu tiên thăm Nga. Thông tin đáng chú ý nhất về kết quả chuyến thăm này là Nga cam kết cung cấp cho A-rập Xê-út hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất S-400 Triumph trị giá 3 tỷ USD.
Ông Nê-vin Ten-lơ, tác giả của cuốn sách “Những bất ổn ở Trung Đông, 2014-2016”, bình luận rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Vua Sa-man và các thỏa thuận sau đó đã gây ngạc nhiên, khi xét đến những quan điểm đối lập nhau của hai nước trong xung đột Xi-ri. Tổng thống Xi-ri Ba-sa An Át-xát đang nhận được sự hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự của Nga, trong khi A-rập Xê-út lại tài trợ cho các nhóm phiến quân đang tìm cách lật đổ ông Át-xát.
![]() |
Vua A-rập Xê-út Sa-man Bin Áp-đu-la-dít An Sa-út và Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin tại Điện Crem-lin. Ảnh: Anadolu Agency |
Để giải đáp câu hỏi trên, theo ông I-u-ri Ba-min, chuyên gia thuộc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, A-rập Xê-út “nhận ra rằng Nga hiện đang kiểm soát cuộc khủng hoảng. Họ thấy cán cân quyền lực đang thay đổi như thế nào trong khu vực: cách mà Mỹ đang thoái lui và Nga gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông”.
Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin đang có kế hoạch xác lập Nga như là một lực lượng chính cần được tính đến trên vũ đài thế giới và Trung Đông là một khu vực mà ông đang thành công. Nếu ông Pu-chin giành được ưu thế trước Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm trong khu vực trên, ông sẽ tăng cường vị thế toàn cầu của Nga một cách mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, sáng kiến gần đây của Nga nhằm làm trung gian hòa giải giữa I-ran và A-rập Xê-út cũng đã gây ngạc nhiên và đã để lại nhiều câu hỏi về việc Mát-xcơ-va có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách giữa Tê-hê-ran và Ri-át. Trung Đông đang trong quá trình chuyển đổi địa chính trị có thể ảnh hưởng đến khu vực này trong nhiều thập kỷ tới, mở đường cho việc thiết lập một hệ thống chính trị và an ninh mới.
Tổng thống Nga Pu-chin đã trở thành nhà lãnh đạo thực tế trong khu vực và trong thời gian ngắn từ năm 2015, đã thành công trong việc lấp đầy khoảng trống quyền lực do sự rút lui dần của Mỹ vì Oa-sinh-tơn đã giảm phụ thuộc vào nguồn dầu thô của Trung Đông.
Các đồng minh truyền thống của Mỹ ở Trung Đông, như A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Gioóc-đa-ni, đang tỏ ra quan tâm đến việc tăng cường quan hệ quân sự và kinh tế với Nga.
Chuyến thăm gần đây của Vua Sa-man Bin Áp-đu-la-dít cho thấy Ri-át đã bị thuyết phục rằng, cách chắc chắn nhất để bảo đảm sự ổn định ở Trung Đông nằm ở Nga. Chuyến thăm cũng được xem là bước đi đầu tiên thực sự hướng tới một liên minh chiến lược giữa hai quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất trên thế giới.
Ông Sê-háp An ma-ca-lê, nhà báo kỳ cựu, từng là cố vấn chính sách ở Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, cho rằng kể từ đầu năm 2017, Nga đã tăng cường hợp tác với I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là tam giác quyền lực quan trọng nhất và nổi bật nhất trong khu vực, đánh dấu bước khởi đầu sự kết thúc ảnh hưởng của Mỹ.
Theo các quan chức Arập và một cuộc thăm dò gần đây, vai trò lãnh đạo của Mỹ đang mất đi ảnh hưởng và sự tin cậy ở Trung Đông. Trong khi đó, Nga đã thành công trong việc thuyết phục các đồng minh cũ của Mỹ thay đổi quan điểm của họ đối với Mát-xcơ-va như một nhà môi giới không thể thiếu trong khu vực.
Có thể ông Pu-chin đang muốn bổ sung A-rập Xê-út vào tam giác trên. Nhưng tứ giác liên minh mới này không thể thành lập khi mối quan hệ giữa A-rập Xê-út và I-ran chưa được cải thiện và phải xóa bỏ mọi căng thẳng cơ bản giữa Tê-hê-ran và Ri-át mới giúp liên minh này thành công. Do đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mi-khai-in Boóc-đa-nốp đã bày tỏ sự sẵn sàng của Mát-xcơ-va trong việc là cầu nối để I-ran và A-rập Xê-út bình thường hóa quan hệ song phương.
Cả Ri-át và Tê-hê-ran đều có lợi ích trong việc bình thường hóa quan hệ. Mối quan hệ của họ được cải thiện sẽ giúp giải tỏa căng thẳng tại nhiều điểm nóng trên khắp khu vực, bắt đầu từ Xi-ri, I-rắc, Ba-ranh và Y-ê-men. Điều này có thể cũng sẽ giúp cho Nga được “bật đèn xanh” để can thiệp vào cuộc chiến tại Y-ê-men, vì Mát-xcơ-va có quan điểm trung lập đối với các bên tham chiến tại quốc gia trên.
Với việc cuộc xung đột ở Xi-ri đang đến hồi kết, Nga đã chứng tỏ có được sự tin cậy hơn của người A-rập khi hỗ trợ Chính phủ Xi-ri giành lại hầu hết các khu vực dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang đối lập và tổ chức Nhà nước Hồi giáo./.
Theo TTXVN