Hàng loạt thỏa thuận hợp tác trị giá nhiều tỷ USD được ký kết, không ít vấn đề quốc tế “nóng bỏng” phần nào tìm được tiếng nói chung… là những kết quả nổi bật trong chuyến thăm Nga từ ngày 4 đến 7-10 của Quốc vương A-rập Xê-út Sa-man.
Ngoài cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống nước chủ nhà Vla-đi-mia Pu-chin tại Mát-xcơ-va, 14 văn kiện hợp tác được 2 bên ký kết trong chuyến thăm lịch sử này cho thấy triển vọng mở rộng quan hệ kinh tế giữa 2 cường quốc dầu mỏ thế giới là hết sức to lớn.
Chuyến thăm lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương của một quốc vương đương nhiệm A-rập Xê-út tới Nga này có thể coi là “sự kiện bước ngoặt”, bởi vì nó mở ra những “chân trời” hợp tác mới giữa hai nước, vốn là hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới, và từng ở “hai bên chiến tuyến” trong nhiều cuộc khủng hoảng khu vực và quốc tế.
Tổng thống Vla-đi-mia Pu-chin tiếp Quốc vương A-rập Xê-út. Ảnh: Sputnik |
Chuyến thăm của Quốc vương A-rập Xê-út cũng cho thấy vị thế và vai trò của Mát-xcơ-va ở “chảo lửa” Trung Đông đang ngày càng được củng cố.
Ngoài những thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng, khoa học kỹ thuật hay nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, hai bên còn thương thảo những hợp đồng cung cấp vũ khí lớn, bao gồm cả việc A-rập Xê-út mua tổ hợp tên lửa tiên tiến S-400 của Nga…
Không chỉ đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong những lĩnh vực khác nhau, lãnh đạo Nga và A-rập Xê-út trong chừng mực nào đó đã gác bỏ được những bất đồng từng cản trở Mát-xcơ-va và Ri-át phối hợp trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng để có thể hướng tới một cách tiếp cận chung.
Theo Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Pu-chin và Quốc vương Sa-man trao đổi ý kiến sâu rộng về những phương diện quan trọng nhất của tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi và nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng khắc phục các tình huống khủng hoảng bằng giải pháp chính trị, hòa bình dựa trên cơ sở đối thoại dân tộc rộng rãi trong mỗi cuộc xung đột cụ thể, dựa trên nền tảng Hiến chương LHQ và những nguyên tắc luật pháp quốc tế.
Ngay cả vấn đề Xi-ri, vốn là chủ đề gây căng thẳng lâu nay giữa Nga, vốn ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Tổng thống Xi-ri Ba-sa An Át-xát và A-rập Xê-út, nước hậu thuẫn phe đối lập chống chính quyền Đa-mát, Tổng thống Pu-chin và Quốc vương Sa-man cũng dành cho nhau những lời khen ngợi về nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.
Đây được xem là một bước tiến bởi Nga và A-rập Xê-út trước đây vẫn mâu thuẫn trong các vấn đề liên quan tới Xi-ri, I-ran. Việc hai bên tìm được cách tiếp cận chung có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Nga, với vai trò là một trong những cường quốc thế giới, còn A-rập Xê-út, nước có trọng lượng lớn nhất trong khu vực Trung Đông, có thể tác động đáng kể với việc giải quyết những cuộc khủng hoảng hiện hữu ở địa bàn này.
Đánh giá kết quả chuyến thăm, Ngoại trưởng A-rập Xê-út Áp-đen An Giu-bây cho rằng quan hệ giữa hai nước đã đến “thời điểm lịch sử” và đang mở ra những “chân trời” hợp tác mới mà cách đây không lâu khó có thể mường tượng, đặc biệt khi A-rập Xê-út là một đồng minh truyền thống và quan trọng hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông. Bước “đảo chiều ngoạn mục” này diễn ra trong bối cảnh vai trò và ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông và Vùng Vịnh đang ngày càng gia tăng, nhất là sau khi Mát-xcơ-va hỗ trợ quân sự hiệu quả giúp Chính phủ Xi-ri chống khủng bố và giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông.
Sau hơn 2 năm can thiệp quân sự theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Ba-sa An Át-xát, quân đội Nga đã giúp chính quyền Xi-ri giải phóng khoảng 90% lãnh thổ bị tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng chiếm đóng, đồng thời buộc A-rập Xê-út cùng các đồng minh phương Tây chấp nhận “luật chơi” do Mát-xcơ-va đặt ra tại quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh đó, hành động của Mát-xcơ-va hỗ trợ đồng minh Xi-ri trong những thời khắc “bước đường cùng” càng làm cho hình ảnh Nga trong mắt các quốc gia khu vực trở nên một đối tác tin cậy và không thể thiếu ở Trung Đông.
Không phải ngẫu nhiên trong thời gian gần đây, lãnh đạo các nước Trung Đông như Ít-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Gióc-đa-ni “xếp hàng” đến thăm Nga để trao đổi về các vấn đề khu vực. Bên cạnh đó, có thể nói việc Nga duy trì quan hệ thân thiết với các nước như Xi-ri, I-ran… ở một phương diện nào đó có thể giúp Mát-xcơ-va trở thành “cầu nối” đối thoại giữa các bên “thù địch” trong khu vực Trung Đông.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động với những diễn biến khó lường, Mát-xcơ-va và Ri-át ý thức được rằng việc tăng cường hợp tác song phương mang lại lợi ích thiết thực, to lớn cho cả hai nước, không chỉ về kinh tế mà cả địa chính trị. Với tư cách là hai cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới, việc Nga và A-rập Xê-út “bắt tay” nhau có thể giúp cân bằng thị trường và giữ giá “vàng đen” không tiếp tục giảm.
Trong năm 2016, Nga cùng 14 nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác, giúp đẩy giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng trở lại, đem lại nguồn thu không nhỏ cho 2 quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đặc biệt là Nga, nước đang gặp khó khăn do các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt hơn 3 năm qua.
Đối với Nga, việc tăng cường quan hệ với A-rập Xê-út còn mang nhiều ý nghĩa hơn. Để giải quyết có hiệu quả các cuộc xung đột tại Trung Đông, trong đó có Xi-ri, Mát-xcơ-va cần phải có sự giúp đỡ của Ri-át. Hòa bình ở “chảo lửa” Trung Đông được lập lại thì vai trò và vị trí của Nga ở khu vực càng gia tăng. A-rập Xê-út cũng là thị trường “béo bở” đối với hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nga là vũ khí và sản phẩm nông nghiệp. Việc siết chặt quan hệ với A-rập Xê-út cũng là một giải pháp khả thi giúp Mát-xcơ-va thoát khỏi thế bao vây cấm vận của phương Tây.
Trong khi đó, A-rập Xê-út đang thực hiện kế hoạch cải cách “Tầm nhìn năm 2030”, với trọng tâm là tiến hành tư nhân hóa công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Aramco, đa dạng hóa nền kinh tế đang phụ thuộc rất nhiều vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế với mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong nước cũng như mở rộng đầu tư vào những dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghệ trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, với vai trò là nhà nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và cũng là nước có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong khu vực Trung Đông, A-rập Xê-út luôn muốn khẳng định vị thế của mình.
Chuyến thăm Nga lần này rõ ràng là một phần trong chiến lược dài hạn của Ri-át, nhằm đa dạng hóa quan hệ quốc tế phục vụ đa dạng hóa nền kinh tế, tiếp sau hàng loạt các chuyến công du mới đây của Quốc vương A-rập Xê-út tới Nhật Bản, các nước Đông Nam Á hay điển hình là chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua.
Rõ ràng lợi ích quốc gia đang khiến Nga và A-rập Xê-út xích lại gần nhau, và việc hai nước hợp tác không chỉ có lợi cho Mát-xcơ-va và Ri-át, mà còn mở ra cơ hội giúp giải quyết nhiều vấn đề quốc tế nóng hiện nay./.
Theo TTXVN