Tối 25-9, tại Đại học Me-gi Tô-ky-ô, Nhật Bản, Viện Các vấn đề Toàn cầu Me-gi (MIGA), Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Me-gi (MIIPS) phối hợp với Diễn đàn Nhật Bản về Quan hệ Quốc tế (JFIR), Trung tâm Nghiên cứu Khủng hoảng và Tranh chấp Quốc tế (CECRI) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “An ninh hàng hải toàn cầu: Biển Đông quan điểm từ các bên không tuyên bố chủ quyền”.
Tham dự hội thảo có các học giả hàng đầu Nhật Bản và thế giới, cùng nhiều nhà báo quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Tô-ky-ô, trong cuộc hội thảo, các học giả đã khái quát diễn biến về tình hình Biển Đông thời gian qua, bày tỏ quan ngại đối với vấn đề an ninh hàng hải, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm kiểm soát tranh chấp, duy trì tự do hàng hải, đảm bảo lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan.
Quang cảnh tại hội thảo. |
Học giả Tê-ra-si-ma Hi-rô-si - nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Biển (SPF), đã đưa những chiến lược tiếp cận vấn đề Biển Đông như tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa các bên liên quan, giữa các học giả nhằm diễn giải, chia sẻ trật tự pháp lý, xây dựng nền tảng cơ bản giải quyết tranh chấp trên biển, duy trì an ninh hàng hải; hỗ trợ các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các quốc gia ven Biển Đông khả năng thực thi Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và đảm bảo an ninh hàng hải.
Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Sa-tô Côi-chi thuộc Đại học Ô-be-lin Tô-ky-ô, đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Biển Đông đối với kinh tế thế giới và khu vực, trong đó có Nhật Bản với 60% nguồn cung năng lượng của nước này đi qua Biển Đông; các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là các quốc gia có quan hệ hữu nghị với Nhật Bản.
Từ thực tế trên, Giáo sư Sa-tô đã đề xuất 3 giải pháp để giám sát, quản lý tình hình an ninh hàng hải ở Biển Đông là xây dựng cơ chế hợp tác an ninh hàng hải giữa Nhật Bản - ASEAN giống như cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản - ASEAN hay Hội nghị Cấp cao Đông Á; xây dựng trung tâm chia sẻ thông tin an ninh hàng hải tại Biển Đông dưới sự hợp tác của nhiều lực lượng liên quan của các nước như hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân; xây dựng cơ chế giám sát, phòng chống sự cố an ninh hàng hải, bao gồm cả các xung đột nhỏ.
Giống như Nhật Bản, Ấn Độ không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song khu vực biển này hết sức quan trọng đối với kinh tế, an ninh của Ấn Độ, cũng như khu vực và thế giới. Do đó, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông phải đi từ quan điểm đa phương. Quan điểm này của Giáo sư Gia-ga-nát Pan-đa, Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ, đã nhận được sự đồng tình của các học giả tham gia hội thảo.
Giáo sư Pan-đa cũng đề xuất giải pháp về một hiệp định hàng hải giữa các nước trong khu vực, nhấn mạnh tự do hàng hải, yếu tố đang làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia, đồng thời đưa ra những cơ chế hợp tác cân bằng về an ninh.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Giáo sư Gri-gô-ri Mô-rơ, Đại học Nốt-tinh-ham (Anh) khẳng định các quốc gia tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cần hợp tác và đối thoại để giải quyết vấn đề.
Hội thảo “An ninh hàng hải toàn cầu: Biển Đông quan điểm từ các bên không tuyên bố chủ quyền” diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN đã gần đạt được khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các bên không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có lợi ích liên quan ở khu vực này.
Các học giả đều nhận định duy trì tự do hàng hải, tạo ra các cơ chế phối hợp, kiểm soát xung đột, dựa trên tính thượng tôn của pháp luật, sự tin tưởng lẫn nhau của các bên liên quan là biện pháp quan trọng giải quyết vấn đề Biển Đông, cũng như đảm bảo lợi ích của tất cả các bên./.
Theo TTXVN