Theo Roi-tơ và TTXVN, bất chấp kêu gọi của các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, ngày 5-9, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm quyết định bãi bỏ chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA). Bộ trưởng Tư pháp Mỹ G.Xe-xơn nêu rõ, DACA có hiệu lực dưới thời chính quyền tiền nhiệm, đã bị hủy bỏ. Chương trình này khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay người nhập cư bất hợp pháp.
* Cùng ngày, Tổng Chưởng lý bang Ca-li-pho-ni-a và Me-xơ-chu-xít cùng đồng nghiệp ở bang Niu Oóc và Oa-sinh-tơn tuyên bố sẽ tiến hành thủ tục pháp lý để bảo vệ DACA. Đây là những bang có số lượng lớn người nhập cư trái phép theo hình thức này.
* Thị trưởng các thành phố Niu Oóc, Xan Phran-xi-xcô và Chi-ca-gô tuyên bố sẽ "chiến đấu" để bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi. Ý kiến phản đối cũng vang lên khắp "Thung lũng Xi-li-côn", nơi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới tuyển dụng nhiều người thuộc diện được hưởng ưu tiên từ DACA.
* Hàng trăm người biểu tình tụ tập trước Nhà trắng để phản đối quyết định của Tổng thống. Nhiều đối tác của Tổng thống và chính khách đảng Cộng hòa bày tỏ lo ngại rằng quyết định này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và đi ngược lại các giá trị mà lâu nay nước Mỹ theo đuổi.
* Cựu Tổng thống B.Ô-ba-ma cho rằng việc chính quyền của đương kim Tổng thống Đ.Trăm xóa sổ một chương trình dưới thời ông nhằm bảo vệ những người nhập cư bất hợp pháp tới Mỹ từ khi còn nhỏ khỏi bị trục xuất là "tàn nhẫn" và "sai trái”. Cựu Tổng thống cho rằng, những người trong diện này không gây ra mối đe dọa nào đối với nước Mỹ.
* Nhiều nước Mỹ la-tinh phản đối quyết định nêu trên của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mê-hi-cô tuyên bố sẽ hành động thông qua kênh ngoại giao và dựa trên quy định quốc tế để Quốc hội Mỹ đưa ra một giải pháp nhanh chóng, nhằm bảo đảm quyền lợi và công lý cho những trẻ em thuộc diện này. Chính phủ Mê-hi-cô sẵn sàng tiếp nhận các đối tượng bị Mỹ trục xuất.
* Theo thống kê, phần lớn người nhập cư đến Mỹ từ khi còn nhỏ là từ Mê-hi-cô và các quốc gia Mỹ la-tinh khác. Hơn 200 nghìn người đang sinh sống ở bang Ca-li-pho-ni-a và 100 nghìn người tại bang Tếch-dát. Các bang Niu Oóc, I-li-noi và Phlo-ri-đa cũng có số lượng lớn người nhập cư theo hình thức này.
Theo nhandan.com.vn