Ngày 12-9, các nghiệp đoàn lớn của Pháp gồm CGT, FSU, Solidaires và UNEF đã tổ chức biểu tình trên cả nước với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, để phản đối cải cách luật lao động của chính phủ. Đây là đợt biểu tình đầu tiên kể từ khi chính phủ mới được thành lập.
Nghiệp đoàn CGT cho biết, hơn 180 cuộc biểu tình trên đường phố và đưa ra 4.000 lời kêu gọi đình công phản đối cải cách luật lao động diễn ra trên khắp cả nước, từ hàng không, đường sắt, bệnh viện, trường học, công nghiệp năng lượng...
Người biểu tình phản đối cải cách luật lao động. (Ảnh:EPA/MAXPPP) |
Giống như các cuộc biểu tình trước đây, số lượng người tham gia biểu tình do các nghiệp đoàn và Bộ Nội vụ công bố toàn khác nhau. CGT cho biết, toàn quốc có hơn 450 đến 500 nghìn người tham gia biểu tình chống luật lao động. Tuy nhiên, phía cảnh sát công bố có khoảng 224 nghìn người tham gia.
Tại Paris, CGT ước tính có 60 nghìn người tham gia biểu tình, còn phía cảnh sát nói rằng có 24 nghìn người. Tại TP Marseille, cảnh sát ước tính có 7.500 người tham gia biểu tình, nhưng phía các nghiệp đoàn cho biết có khoảng 60 nghìn người....
Tuy nhiên, số người tham gia biểu tình chống luật lao động đã giảm đi so với những năm trước đây.
Sau nhiều tuần đàm phán, tháng trước Chính phủ Pháp đã đưa ra các biện pháp cải cách bao gồm mức trần chi trả cho việc sa thải, vốn bị cho là không công bằng, cho các doanh nghiệp tự do hơn thuê và phạt đối với người lao động.
Sáng 13-9, một ngày sau khi các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, ông chú ý theo dõi các cuộc biểu tình chống luật cải cách lao động của chính phủ nhưng cam kết sẽ không lùi bước. Cuộc bầu cử năm nay cho thấy, người dân Pháp sẵn sàng ủng hộ cải cách.
Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Thủ tướng Edouard Philippe nói: "Tôi đang chú ý và lắng nghe. Nhưng cho phép tôi nói rằng, người Pháp khi họ bỏ phiếu, họ cũng có quyền được đối xử tôn trọng. Cải cách mà chúng tôi đưa ra đã được Tổng thống công bố vào thời điểm bầu cử".
Cùng ngày xảy ra biểu tình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm đảo Saint-Martin, nơi bị bão Irma tàn phá nặng nề khiến 11 người chết và nhiều người khác bị thương. Ông Macron cam kết ưu tiên hàng đầu của chính phủ là sớm đưa cuộc sống người dân trên đảo trở lại bình thường.
Theo nhandan.com.vn