Giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư

07:09, 05/09/2017

“Hội nghị cấp cao mi-ni" về vấn đề người di cư diễn ra ở thủ đô Pa-ri (Pháp) mới đây đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi tham dự Hội nghị đã thảo luận đề xuất thiết lập các trung tâm "sàng lọc" người tị nạn tại lục địa đen nhằm ngăn chặn hàng nghìn người liều lĩnh vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

Lãnh đạo bảy nước châu Âu và châu Phi gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Ni-giê, Sát, Li-bi và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU) Ph.Mô-ghê-ri-ni đã gặp nhau để bàn biện pháp ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi sang châu Âu và giảm thiểu số người thiệt mạng trên hành trình vượt Địa Trung Hải. Đề xuất thành lập các trung tâm sàng lọc người tị nạn tại Ni-giê và CH Sát, những nước vốn là điểm trung chuyển quan trọng của người di cư đổ về châu Âu, đã được Tổng thống Pháp E.Ma-crông đưa ra. Theo đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) sẽ chịu trách nhiệm tiến hành sàng lọc dòng người tị nạn. Các trung tâm này sẽ tạo ra điểm đến an toàn tuyệt đối gần quê hương của những người tị nạn, từ đó giúp ngăn chặn những người liều lĩnh đến khu vực nguy hiểm trước khi lên thuyền vượt Địa Trung Hải.

Người di cư được cứu đưa về bờ biển Li-bi.Ảnh AP
Người di cư được cứu đưa về bờ biển Li-bi.Ảnh AP

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ trong gần tám tháng đầu năm nay, đã có 125 nghìn người di cư tới châu Âu qua Địa Trung Hải. Ước tính đã có 2.400 người chết trong hành trình vượt biển. Các quốc gia châu Âu muốn đề xuất khoản viện trợ phát triển và nguồn tài chính cho các nước đối tác châu Phi để đổi lấy sự trợ giúp của những nước này trong việc ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn. Đức và Ai Cập mới đây đã đạt thỏa thuận nhằm kiềm chế dòng người di cư từ quốc gia Bắc Phi này. Thỏa thuận nằm trong nỗ lực tổng thể của Đức nhằm phối hợp với các nước giải quyết căn nguyên của hoạt động di cư thiếu kiểm soát. Người phát ngôn Chính phủ Đức X.Dai-béc cho rằng thỏa thuận mới sẽ cung cấp thêm nguồn lực cho Ai Cập nhằm triển khai các chương trình đào tạo, qua đó giúp người dân tìm được công việc tốt hơn và cung cấp thêm kinh phí cho người dân Ai Cập học tập tại Đức. Ngoài ra, Đức cũng sẽ hỗ trợ Ai Cập cải thiện các cơ sở cho người tị nạn từ Xy-ri và những người vô gia cư ở. Hai nước cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn để trấn áp những kẻ đưa người di cư bất hợp pháp tới châu Âu qua Địa Trung Hải.

Trong khi các nước châu Âu và châu Phi nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn dòng người di cư thì cuộc khủng hoảng này tiếp tục diễn biến phức tạp. Các chuyên gia đang dự báo về khả năng có những thay đổi về hướng di cư từ những nước Tây Phi tới khu vực EU, do tuyến đường vượt biển từ châu Phi tới lãnh thổ Tây Ban Nha được cho là an toàn hơn so với cung đường vượt sa mạc Xa-ha-ra và Li-bi, đất nước đang chìm trong bất ổn, để đến I-ta-li-a. Ngoài tuyến đường vượt biển, người di cư từ châu Phi còn tìm cách tới Tây Ban Nha bằng đường bộ. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, hơn 300 người di cư đã tìm cách vượt biên trái phép tại khu vực biên giới giữa Ma-rốc và vùng lãnh thổ Xê-ta của Tây Ban Nha. Xê-ta cùng Mê-li-gia là hai vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha nằm ở khu vực Bắc Phi, giáp giới Ma-rốc, cũng là biên giới trên bộ duy nhất của EU với châu Phi. Do đó, người di cư thường trèo qua hàng rào biên giới, cắt hàng rào hoặc ẩn náu trong các xe tải để vào được châu Âu. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) dự báo, trong năm nay, Tây Ban Nha có thể vượt Hy Lạp về số người di cư đến bằng đường biển. Từ đầu năm đến nay, qua đường biển, đã có hơn 8.200 người di cư tới Tây Ban Nha, gấp ba lần so cùng kỳ năm ngoái và thậm chí lớn hơn tổng số người di cư đặt chân tới nước này trong cả năm 2016. Con số này tuy thấp hơn nhiều so với I-ta-li-a, nơi tiếp nhận hơn 96.400 người di cư trong khoảng bảy tháng đầu năm nay, song lại gần "đuổi kịp" Hy Lạp với 11.713 người đổ bộ sau hành trình vượt biển trong cùng khoảng thời gian trên. Trong khi đó, chính quyền Ru-ma-ni cũng đang bày tỏ quan ngại Biển Đen có thể trở thành tuyến đường biển thay thế cho tuyến đường qua Địa Trung Hải để người tị nan châu Phi đến châu Âu.

Diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng người di cư khiến cả châu Âu và châu Phi đau đầu. Sáng kiến “sàng lọc” người di cư được đưa ra, song để đề xuất này được thực thi hiệu quả cần nỗ lực của nhiều nước và vấn đề di cư vẫn là bài toán hóc búa chưa có lời giải.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com