Ngày 1-8, nhà chức trách Ốt-xtrây-li-a đã công bố danh tính 4 đối tượng bị bắt giữ do liên quan tới âm mưu khủng bố làm rơi máy bay bằng thiết bị nổ tự tạo tại Thành phố Xít-ni hồi cuối tuần qua, đồng thời cho biết những đối tượng này có quan hệ với tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Hành khách xếp hàng chờ đợi kiểm tra an ninh tại sân bay Sydney, Australia ngày 31/7. Ảnh: EPA/TTXVN |
Giới chức Ốt-xtrây-li-a nêu rõ nhóm đối tượng này gồm 2 cặp cha con người Ốt-xtrây-li-a gốc Li-băng, có quan hệ họ hàng với nhau và có liên quan tới IS. Kẻ đứng sau âm mưu khủng bố đã bị nhà chức trách chặn đứng này là Kha-lét Khay-át, được cho là có anh trai là một phần tử cấp cao của IS ở Xi-ri. Con trai của Kha-lét Khay-át là Ma-mút Cay-át đang theo học quản lý hàng không ở Đại học Niu Sao-uên. Hai đối tượng còn lại là Áp-đun Ca-rim En và con trai Kha-lét Me-ri, có liên quan đến Ác-mét Me-ri, phần tử đã đến Xi-ri hồi năm 2014 và đang chiến đấu cho IS.
Ca-ta khiếu nại lên WTO các hoạt động tẩy chay thương mại
Ngày 31-7, Ca-ta đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm phản đối hành động tẩy chay thương mại của A-rập Xê-út, Ba-ranh và Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE).
Bằng việc chính thức “yêu cầu tham vấn” với 3 nước láng giềng A-rập nói trên - bước đầu tiên trong một vụ tranh chấp thương mại, Ca-ta đã kích hoạt thời hạn 60 ngày để 3 nước này giải quyết đơn khiếu nại của Đô-ha. Nếu không, A-rập Xê-út, Ba-ranh và UAE sẽ phải đối mặt với một vụ kiện tại WTO và nguy cơ Đô-ha sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt thương mại trả đũa.
Đơn khiếu nại của Ca-ta chỉ trích hành động tẩy chay thương mại của 3 nước láng giềng A-rập là “các nỗ lực mang tính cưỡng ép nhằm cô lập kinh tế” và cản trở các quyền trao đổi thương mại của Đô-ha.
Ca-ta muốn có thêm thông tin về những biện pháp trừng phạt của các nước A-rập láng giềng cũng như tính hợp pháp của những biện pháp này nhằm hướng tới tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.
Hiện 3 nước A-rập Xê-út, Ba-ranh và UAE chưa có phản ứng về đơn kiến nghị của Ca-ta. Trước đó, nhóm các nước A-rập tẩy chay Ca-ta khẳng định với WTO rằng các biện pháp chống lại Đô-ha được xem là “hành động bảo vệ an ninh quốc gia”, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tổng thống Vê-nê-du-ê-la bác bỏ các trừng phạt của Mỹ
Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô ngày 31-7 đã bác bỏ các biện pháp trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ áp đặt cùng ngày đối với cá nhân ông, sau khi quốc gia Nam Mỹ này tiến hành thành công cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến.
Tổng thống Ma-đu-rô nêu rõ những biện pháp trừng phạt của Mỹ “không thể đe dọa” được ông, đồng thời khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ thể hiện “sự bất lực, tuyệt vọng và lòng thù hận” của Oa-sinh-tơn.
Trước đó cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Vê-nê-du-ê-la, theo đó đưa ông vào danh sách 13 quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu của Vê-nê-du-ê-la bị Oa-sinh-tơn trừng phạt hồi tuần trước.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước đã yêu cầu các thành viên gia đình của nhân viên Đại sứ quán nước này tại Ca-ra-cát rút về nước, nhân viên Chính phủ Mỹ cũng được phép tự do rời khỏi Đại sứ quán, đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ không tới quốc gia Nam Mỹ này./.
Theo baotintuc.vn