* Nhiều nước siết chặt an ninh
Theo Roi-tơ và TTXVN, Bộ trưởng An ninh Anh B.Oa-lây nhận định, nguy cơ tiến công khủng bố tại nước này ngày càng gia tăng sau khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thất bại ở Xy-ri và I-rắc. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức dữ liệu khủng bố toàn cầu, tính từ năm 1970 đến nay, Anh có số người chết vì khủng bố cao nhất tại Tây Âu với gần 3.400 nạn nhân.
Nguy cơ khủng bố tại Anh trong thời điểm hiện tại cũng được đặt ở mức "nghiêm trọng" với bốn vụ tiến công khủng bố trong vòng ba tháng qua. Các cơ quan chức năng của Anh đã ngăn chặn được ít nhất năm âm mưu khủng bố trong năm tháng gần đây.* Sau hai vụ khủng bố đẫm máu làm 14 người chết vừa qua, Tây Ban Nha đang duy trì cảnh báo chống khủng bố ở cấp độ 4 trên phạm vi toàn quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh tại những địa điểm công cộng, các sự kiện, các địa danh du lịch nổi tiếng. Tây Ban Nha và Pháp đều siết chặt an ninh ở khu vực biên giới hai nước.
* Tại Thụy Sĩ, Bộ trưởng Quốc phòng G.Pa-mê-lin cho rằng, nguy cơ khủng bố ở nước này vẫn rất cao và đang nghiên cứu những giải pháp nhằm bảo đảm an ninh. Gần đây, một loạt thành phố châu Âu hứng chịu các vụ tiến công khủng bố bằng hình thức đâm xe vào đám đông. Các chuyên gia chống khủng bố nhận định đây là hình thức khủng bố rất khó đoán định và ngăn ngừa. Do vậy, Thụy Sĩ sẽ nhanh chóng dựng các khối bê-tông, chướng ngại vật trong những sự kiện tụ tập đông người.
* Ngày 20-8, Ô-xtrây-li-a đã công bố chiến lược nhằm ngăn chặn tiến công khủng bố bằng xe tại địa điểm đông dân cư, sau các vụ tiến công đẫm máu tại những thành phố lớn của Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Theo đó, thiết lập hàng rào và ca-mê-ra giám sát, bố trí các chướng ngại vật như cây cối và các bức tượng nhằm làm giảm tốc độ của phương tiện tiến công và tăng cường các đội phản ứng nhanh. Ô-xtrây-li-a hiện vẫn duy trì cảnh báo khủng bố ở mức "có thể xảy ra". Kể từ năm 2014 đến nay, cảnh sát nước này đã phá vỡ 13 âm mưu tiến công khủng bố trong nước.
* Truyền thông Ma-rốc đưa tin giới chức nước này đã nâng mức cảnh báo an ninh, siết chặt các biện pháp an ninh, nhất là tại khu vực miền bắc gần vùng lãnh thổ Xêu-ta và Mê-li-gia của Tây Ban Nha, vùng có đông người Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, giới chức Ma-rốc cũng siết chặt kiểm soát an ninh cho các phái đoàn ngoại giao của Tây Ban Nha và các cửa khẩu vào nước này. Ngay sau vụ tiến công, hợp tác an ninh giữa hai nước cũng được tăng cường.
Theo nhandan.com.vn