Các căn cứ của Mỹ đặt tại Xi-ri đều mang mục đích chiến lược, bao gồm việc thử thách các nỗ lực quân sự của Nga và giúp đỡ người Cuốc lập ra một nhà nước độc lập.
Tháng 7 vừa qua, hãng thông tấn
Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin về việc Mỹ hiện có khoảng 10 căn cứ quân sự tại phía bắc Xi-ri, trong vùng lãnh thổ do Liên minh Dân chủ người Cuốc (PYD) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Cuốc (YPG) kiểm soát.
Trong cuộc phỏng vấn với đài
Sputnik Arab, nhà lập pháp người Xi-ri Na-bin Ta-ma nhận định bằng cách tăng cường các căn cứ quân sự tại Xi-ri, Mỹ muốn thiết lập một đối trọng với sự hiện diện của Nga ở quốc gia Trung Đông này và giúp người Cuốc thành lập một nhà nước tự trị.
“Đây là một vụ tấn công vào chủ quyền của Xi-ri. Oa-sinh-tơn tiếp tục chính sách hiếu chiến của nước này trên đất Xi-ri”, ông Ta-ma nói.
Theo lời nhà lập pháp trên, Mỹ đang cố gắng đạt được một vị trí vững chắc tại Xi-ri cũng như giành ưu thế của Nga. Tuy nhiên, ông Ta-ma nhấn mạnh những nỗ lực của Nga tại Xi-ri được chính quyền Đa-mát cho phép.
Ngược lại, chuyên gia chiến lược quân sự Chuẩn tướng Mu-ha-mét I-da đã chỉ ra rằng không có bất kỳ cơ sở hợp lý nào cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Xi-ri và nó là “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Tướng I-da cũng tuyên bố Lầu Năm Góc hợp tác với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các lực lượng đối lập. Cùng lúc đó, chiến dịch quân sự Nga lại nhằm giúp đỡ chính phủ hợp pháp Xi-ri chiến đấu chống khủng bố cũng như bảo toàn toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
|
Binh sĩ Mỹ xuất hiện tại một trụ sở của YPG sau khi nơi này bị Thổ Nhĩ Kỳ không kích tháng 4-2017. Ảnh: Roi-tơ |
Trước đó, trả lời
Sputnik, Giáo sư Luật quốc tế Phrăng-xít Bôi-le tại Đại học I-li-noi (Mỹ) cho biết sự hiện diện quân sự của Mỹ tại điểm nóng Xi-ri vi phạm các điều luật quốc tế.
“Sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Xi-ri mà không được Chính phủ Xi-ri cho phép rõ ràng vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc và quyết định của tòa án Nu-rem-béc”, giáo sư Bôi-le phát biểu hồi tháng 7.
Theo báo cáo, hai căn cứ không quân của Mỹ tại vùng Rê-lân, tỉnh Ha-sa-ca đã đi vào hoạt động từ tháng 10-2015. Tháng 3-2016, một căn cứ trực thăng đã được mở ra tại làng Ha-ráp I-xcơ gần Thành phố Cô-ba-ni, phục vụ như một điểm đáp trên lộ trình vận chuyển hàng tiếp viện cho người Cuốc.
Thêm vào đó, ba cơ sở quân sự khác của Mỹ nằm tại tỉnh Ha-sa-ca. Một trong số đó là nơi 100 quân nhân đồn trú, hai cơ sở còn lại có tổng cộng khoảng 150 quân nhân. Ba cơ sở trên phục vụ công tác chiến đấu chống IS.
Hai căn cứ khác đặt tại Thị trấn Man-bít, thường xuyên diễn ra các chiến dịch chống lại lực lượng Quân đội Tự do Xi-ri (FSA).
Ngoài ra, Mỹ còn có ba căn cứ tại phía bắc Ra-ca, hai trong số đó là nơi cư trú của cả binh sĩ Pháp và Mỹ. Căn cứ thứ ba có nhiệm vụ vận chuyển thiết bị cho các lực lượng người Cuốc, đồng thời vận hành như một trung tâm thông tin của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Theo hãng
Anadolu, các vị trí triển khai binh sĩ Mỹ thường được thiết kế thành “các vùng khép kín” và được phân loại. Các binh đoàn được chia thành từng nhóm không kích và nã đạn pháo, nhóm huấn luyện lực lượng địa phương và nhóm lên kế hoạch tác chiến. Những căn cứ này đều được trang bị pháo hạng nặng, bệ phóng rocket, thiết bị trinh sát di động và xe bọc thép./.
Theo TTXVN