Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi Mỹ và Triều Tiên không ngừng thách thức tấn công lãnh thổ của nhau bằng tên lửa và hạt nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, theo cựu Tư lệnh Tối cao NATO, tướng Oét-li Clác, những gì mà Mỹ cần ngay lúc này chính là sự lãnh đạo vững chắc, chứ không phải những thông điệp khiêu khích và hiếu chiến. Mỹ phải cứng rắn, kiên quyết nhưng không được có bất kỳ hành động quân sự thiếu sáng suốt và liều lĩnh nào.
Trong bài viết của mình trên
CNBC, vị quan chức quân sự cấp cao này cho rằng, mặc dù thông tin về việc Triều Tiên đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lắp vừa vào tên lửa và sớm có khả năng tấn công Mỹ gần đây gây chấn động dư luận Mỹ, nhưng điều Mỹ cần hiện nay chính là đường hướng lãnh đạo chắc chắn chứ không phải những tuyên bố gây hấn trong việc ngăn chặn kế hoạch của Triều Tiên.
Trong nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên rõ ràng không hề thay đổi các mục tiêu, đó là duy trì sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng, buộc Mỹ rút quân và di dời căn cứ quân sự ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, và tiến tới là việc tiếp quản đối với Hàn Quốc. Trong thời gian này, Triều Tiên duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh, sẵn sàng xâm chiếm Hàn Quốc, xây dựng pháo binh, tên lửa, chế tạo khí độc và các vũ khí chiến tranh sinh học để đảm bảo rằng khi xung đột xảy ra Triều Tiên có khả năng gây thương vong khủng khiếp cho Hàn Quốc.
|
Cựu Tư lệnh Tối cao NATO, tướng Oét-li Clác. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì lực lượng quân sự đủ mạnh để ngăn chặn việc “xâm chiếm” bất ngờ của Triều Tiên, và với các thiết bị quân sự có khả năng tấn công ở tầm xa của Mỹ cho thấy rằng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ bị sụp đổ nếu chiến tranh xảy ra. Đây chính là sự ngăn chặn thành công các hành động của Triều Tiên và đã giúp cho Hàn Quốc trở thành một nền dân chủ vững mạnh với nền kinh tế năng động vào bậc nhất ở châu Á.
Mỹ cần phải tiếp tục duy trì sự cản trở thành công này kể cả khi Triều Tiên cảnh báo đang cân nhắc một vụ tấn công tên lửa nhằm vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương - nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ. Bởi, hơn ai hết Triều Tiên hiểu rằng, nếu họ thực hiện một cuộc tấn công như vậy, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ khó tránh khỏi sự sụp đổ nhanh chóng. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ cũng đã ngăn chặn thành công cả Liên Xô cũ và Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang, nổi bật là vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ rõ ràng đã cản trở Triều Tiên mua những vũ khí này. Nhưng, với những nỗ lực không ngừng trong nhiều thập kỷ, cùng với sự trợ giúp của một số quốc gia khác, Triều Tiên nay đã trở thành một cường quốc hạt nhân.
Và sẽ không có một giải pháp quân sự nào cho cuộc chiến tranh chung ở bán đảo Triều Tiên - với khả năng gây thương vong cho hàng triệu người dân - có thể làm suy yếu khả năng về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hơn nữa, cái chết bi thảm của nhà lãnh đạo Li-bi Mu-a-ma Ca-đa-phi xảy ra chỉ vài năm sau khi ông này tuyên bố từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, sẽ càng khiến Triều Tiên quyết tâm duy trì chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Chính vì vậy, Mỹ phải chuẩn bị để “sống chung” với tình huống này và mục tiêu khiến Triều Tiên phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân sẽ là không thực tế và không thể thực hiện được. Thay vào đó, Mỹ nên tìm kiếm một sự ổn định về chiến lược và tiếp tục duy trì được sự khiểm soát của mình ở khu vực.
Trong hơn một thập kỷ qua, Mỹ đã tìm kiếm sự trợ giúp của Trung Quốc trong việc đối phó với Triều Tiên. Trung Quốc có thể là một đối tác khá hiệu quả của Mỹ trong một số lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật. Dù Trung Quốc có nắm trong tay lực đòn bẩy tuyệt vời đối với Bình Nhưỡng trong các lĩnh vực như lương thực, năng lượng và viện trợ, thì nước này vẫn chưa sẵn sàng sử dụng lực đòn bẩy này và luôn lưỡng lự không muốn gia tăng sức ép vì lo sợ rằng sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ tạo ra làn sóng người tị nạn tràn vào miền Đông Bắc Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc chắc chắn muốn thấy lực lượng Mỹ rời khỏi Hàn Quốc bởi Trung Quốc có thể tin rằng mức độ leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thực sự sẽ giúp thực hiện được mục tiêu này của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không muốn một cuộc nội chiến xảy ra bởi nó sẽ gây tổn thất khủng khiếp khiến chính quyền Bình Nhưỡng có thể sụp đổ. Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu Mỹ xem Trung Quốc là một đồng minh trong nỗ lực đối phó với Triều Tiên.
Mỹ đã đối phó được với nhiều kẻ thù tiềm năng có vũ trang hạt nhân khác tại các thời điểm khác nhau và Mỹ đủ khôn ngoan để không tham gia vào cuộc chiến hạt nhân phòng ngừa bởi Mỹ đã thừa nhận một sai lầm lớn khi tiến hành cuộc chiến tranh phòng ngừa hạt nhân ở I-rắc vào năm 2003.
Mỹ phải cứng rắn và kiên quyết, và không tham gia vào một số hành động quân sự thiếu sáng suốt và liều lĩnh. Mỹ sẽ đạt được mục tiêu của mình một cách tốt nhất chính bằng việc duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại Hàn Quốc, tăng cường các biện pháp phòng thủ tên lửa chiến lược và bằng những cuộc đối thoại và ngoại giao cứng rắn với Triều Tiên, cũng như với Trung Quốc và các nước láng giềng khác.
Những phát ngôn hiếu chiến, kích động nhằm vào Triều Tiên sẽ chẳng giúp ích gì, chỉ làm căng thẳng “khẩu chiến” leo thang, gây sự sợ hãi và làm giảm sự ủng hộ đối với sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực./.
Theo TTXVN