Nga phô diễn sức mạnh tổ hợp "Dấu chấm hết"

08:07, 14/07/2017

Theo Đài Sputnik, tổ hợp tên lửa chiến dịch chiến thuật Tochka (có nghĩa là “Dấu chấm hết”) là một tổ hợp tên lửa đường đạn chiến thuật tầm ngắn có từ thời Liên Xô cũ, được thiết kế để tấn công chính xác vào các mục tiêu chiến lược của kẻ thù như cơ sở lưu trữ, sân bay quân sự, nơi tập trung binh sĩ… Phiên bản hiện đại nhất Tochka-U có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, vũ khí sinh hóa học và có tầm bắn tối đa là 185km.

Phóng tên lửa Tochka-U.
Phóng tên lửa Tochka-U.

 Hôm 10-7 vừa qua, quân đội Nga đã tổ chức buổi luyện tập phóng tên lửa Tochka-U tại bãi phóng Ca-pu-xtin I-a ở vùng A-xtơ-ra-khan. Video do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp sau đó cho thấy hơn 500 binh sĩ Nga đã góp mặt trong buổi luyện tập này và tên lửa Tochka-U được phóng đi từ xe tự hành 9P12.

Ngoài ra, theo Pravda, Nga sẵn sàng cho việc sản xuất hai vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp trong chiến tranh là: tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat và đoàn tàu Barguzin có thể mang 6 tên lửa hạt nhân thế hệ mới, được mệnh danh là “đoàn tàu tử thần” và như nguồn tin của tờ National Interest hồi tháng 3-2017, Nga có kế hoạch thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ đoàn tàu Barguzin vào năm 2019.

Trung Quốc triển khai binh sĩ tới căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài

Quân đội Trung Quốc đang triển khai binh sĩ tới Đi-bu-ti, nơi Bắc Kinh chính thức thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên. Động thái này được đánh giá là nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Những năm gần đây, Trung Quốc tích cực mở rộng các mối quan hệ quân sự trên khắp châu Phi. Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đóng góp 8.000 binh sĩ cho lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ, chiếm 1/5 trong tổng số 40 nghìn quân đến từ 50 quốc gia của lực lượng này. Bắc Kinh cũng cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho Liên minh châu Phi và 1 tỷ USD nhằm thành lập Quỹ uỷ thác Phát triển và Hoà bình LHQ. Hơn 2.500 binh sĩ Trung Quốc hiện đang được triển khai trong các sứ mạng của lực lượng mũ nồi xanh trên khắp châu Phi.

Mặc dù Trung Quốc nói căn cứ này sẽ được dùng cho hoạt động viện trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình, cho hợp tác quân sự, tập trận hải quân và cứu nạn, tuy nhiên, theo BBC, giới phân tích quốc tế cho rằng căn cứ quân sự tại Đi-bu-ti là một động thái của Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện tại khu vực.

Đi-bu-ti là một quốc đảo nhỏ ở châu Phi, nằm trên tuyến đường biển giao thương bận rộn gần Ấn Độ Dương. Tại quốc gia này, quân đội Mỹ cũng đang duy trì hoạt động của sân bay quân sự Cha-be-li. Từ đây Lầu Năm góc có thể tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay không người lái tại Xô-ma-li hoặc ngang qua eo biển Báp En Man-đép tấn công tại Y-ê-men. Lầu Năm Góc hiện đang đầu tư nhiều triệu USD tiếp tục mở rộng xây dựng tại căn cứ Cha-be-li./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com