Ngày 15-7, hàng trăm nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức tuần hành ở thủ đô Istanbul để kỷ niệm một năm ngày xảy ra cuộc đảo chính quân sự thất bại đã khiến hàng trăm người chết.
Tại thủ đô Instanbul, ông Tayyip Erdogan đã có bài phát biểu trước đoàn tuần hành tại một địa điểm gần cây cầu bắc ngang sông Bosphorus, nơi người dân từng đối đầu các xe tăng và binh lính đang chặn tuyến giao thông giữa hai phần châu Âu và châu Á của thành phố.
Ông tuyên bố: "Những kẻ nổi dậy chiếm đóng cây cầu đêm đó muốn cho thế giới thấy chúng đã chiếm quyền kiểm soát", nhưng đã bị đánh trả bởi "hàng triệu người dân, những người đã đổ ra đường đêm đó để bảo vệ danh dự của quốc gia".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bài phát biểu trước hàng chục nghìn người dân. (Ảnh: Reuters). |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng khai trương một đài "kỷ niệm liệt sĩ" tại cây cầu và đổi tên cây cầu này thành Cầu các liệt sĩ ngày 15-7. Ngày 15-7 cũng đã trở thành một ngày lễ hằng năm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau buổi lễ, ông Erdogan có bài phát biểu tại quốc hội, nơi các nghị sĩ dành một phút tưởng niệm khoảnh khắc những người biểu tình ném bom vào toàn nhà quốc hội.
Trong chiến dịch trấn áp sau đảo chính của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, đã có khoảng 150.000 người trong các cơ quan chính phủ và khối tư nhân bị đuổi việc hoặc tạm dừng công tác và có hơn 50.000 người bị bắt giữ với cáo buộc liên quan tới cuộc đảo chính. Ngày 14-6, chính phủ tuyên bố đã cho thôi việc thêm 7.000 cảnh sát, công chức chính phủ và nhân viên ngành giáo dục bị nghi ngờ có liên quan tới vị học giả Hồi giáo được cho là người chủ mưu vụ đảo chính.
Ông Erdogan tuyên bố: "Không ai phản bội đất nước này có thể tránh được sự trừng phạt" và hứa sẽ khôi phục án tử hình nếu quốc hội thông qua. Tuy nhiên, động thái này nếu trở thành sự thật, những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc trở thành thành viên của EU sẽ trở thành vô ích.
Cuộc đảo chính diễn ra ngày 15-7 năm ngoái đã khiến hơn 250 người đã bị thiệt mạng và 2.196 người bị thương. Tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị ném bom trước khi cuộc đảo chính bị dẹp yên. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc những người trung thành với giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đã tiến hành cuộc đảo chính. Tuy nhiên, ông Gulen, hiện đang sinh sống tại Mỹ, đã bác bỏ những cáo buộc này. Mỹ cũng từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc dẫn độ ông.
Theo nhandan.com.vn