Việc trang bị thêm hệ thống tên lửa Iskander-M cho lữ đoàn tên lửa của Nga đang đặt tại Quân khu miền Đông được cho là thể hiện thái độ “khó chịu” của Nga với Trung Quốc.
Nhận định trên được tạp chí
The Diplomat đưa ra khi đánh giá về sự việc. Theo tờ
Diplomat, đầu tháng 6-2017, truyền thông Nga cho biết có thêm một lữ đoàn tên lửa mặt đất tiếp nhận hệ thống tên lửa 9K720 Iskander-M (được Nga gọi bằng thuật ngữ quân sự là hệ thống tên lửa chiến thuật - vận hành, viết tắt là OTRK).
Tạp chí giải thích: “Lữ đoàn được đề cập đến là Lữ đoàn tên lửa số 3 mới được thành lập, đóng quân tại Quân khu miền Đông. Hình thành vào tháng 12-2016, lữ đoàn này ban đầu được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K79-1 Tochka-U, và sau này trở thành lữ đoàn thứ 4 tại Quân khu miền Đông tiếp nhận hệ thống Iskander-M, một phần trong kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga nhằm xóa bỏ tất cả hệ thống Tochka-U vào năm 2020. Kết quả là, hiện số lượng lữ đoàn Iskander-M có mặt tại Quân khu miền Đông nhiều hơn các quân khu khác. Hiện Nga chỉ lắp đặt 2 hệ thống Iskander-M tại mỗi quân khu. Điều đó đặt ra câu hỏi mục đích triển khai 4 hệ thống Iskander-M là gì?.
Tạp chí
The Diplomat kết luận: “Trong khi nhiệm vụ của hệ thống Iskander-M OTRK triển khai tại Quân khu miền Tây nước Nga để ứng phó nguy cơ từ Mỹ và các lực lượng đồng minh ở Ban-tích và Ba Lan, thì hệ thống lắp đặt ở Quân khu miền Đông rõ ràng phục vụ cho một mục đích khác: tăng cường năng lực răn đe hạt nhân trước Trung Quốc”.
|
Một phần trong hệ thống tên lửa tầm ngắn Iskander-M trong một buổi tập trận tổ chức ở Quân khu miền Đông. Ảnh: Sputnik |
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh
Sputnik, nhà phân tích Va-xi-li Ca-sin nhận xét: “Đầu tiên, chúng ta cần phải xem xét rằng việc triển khai lực lượng vũ trang Nga theo địa lý có mối liên quan chặt chẽ với các sự kiện lịch sử xung quanh sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, Liên bang Xô viết đã triển khai các đơn vị được trang bị tối tân nhất, có năng lực chiến đấu nhất thuộc Lực lượng Mặt đất và Không quân tại vùng lãnh thổ phía các đồng minh Đông Âu, như Đông Đức”.
Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, đơn vị mạnh nhất của Lực lượng Mặt đất, sau đó được Nga kế thừa, là lực lượng đóng quân tại Đông Xi-bê-ri và khu vực Viễn Đông. Họ là lực lượng sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, hiện các lực lượng đóng quân tại Xi-bê-ri và vùng Viễn Đông cũng đang được huy động triển khai làm nhiệm vụ tại khu vực phía châu Âu của Nga. Họ đóng vai trò quan trọng và cũng thường xuyên được điều động tới biên giới với U-crai-na trong cuộc khủng hoảng ở đây. Bên cạnh đó, các lữ đoàn được trang bị Iskander-M cũng liên tục được điều động tới mọi khu vực khác trên nước Nga để tham gia các buổi tập trận quân sự khác nhau.
Việc lắp đặt thay thế bằng hệ thống Iskander-M đối với các lữ đoàn là một việc làm cần thiết vì thời gian vận hành của hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K79-1 Tochka-U sắp hết và cũng không thể kéo dài thêm.
Chuyên gia Ca-sin giải thích: “Khá kỳ lạ khi nói rằng tên lửa Nga lại nhằm vào Trung Quốc, trong khi Trung Quốc vượt Nga về số lượng tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, và Nga cũng không làm gì để thay đổi sự mất cân bằng này. Nga hiện không có quyền sở hữu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn nằm trong khoảng 500-5.000km”.
Đề cập đến lời bình luận có trong tạp chí
The Diplomat cho rằng các cuộc tập trận quy mô lớn thường xuyên tại Quân khu miền Đông phản ánh việc Nga tiếp tục coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm ẩn với quốc gia, chuyên gia Ca-sin cho rằng các cuộc tập trận đó là việc hoàn toàn tự nhiên, giống như Thụy Sĩ, bị bao quanh bởi các nước thành viên EU và NATO có mối quan hệ chặt chẽ, nhưng vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quy mô.
Chuyên gia Ca-sin cho rằng mục đích thực sự của những cuộc tập trận đó là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội Nga, nhằm đảm bảo phản ứng hiệu quả trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng không thể nói mối đe dọa đó đến từ một đất nước cụ thể, đặc biệt khi Nga thường xuyên mời các nhà quan sát Trung Quốc tới các buổi tập trận ở Viễn Đông, coi đây là một phần trong chương trình gây dựng lòng tin quân sự. Thậm chí hai quốc gia còn có kế hoạch triển khai các cuộc tập trận chung thường xuyên./.
Theo TTXVN