Mối quan hệ Nga - phương Tây đến nay vẫn căng thẳng, bởi những bất đồng sâu sắc giữa các bên chung quanh cuộc khủng hoảng tại miền đông U-crai-na vẫn chưa được tháo gỡ. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan T.Xôi-ni nhận định, vấn đề U-crai-na tiếp tục là “hòn đá tảng” ngăn cản tiến trình cải thiện quan hệ giữa Nga và Liên hiệp châu Âu (EU).
![]() |
Cảnh tượng đổ nát sau giao tranh tại khu vực Đô-nhét-xcơ, miền đông U-crai-na. Ảnh ROI-TƠ |
Trong cuộc làm việc với giới chức Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan T.Xôi-ni lấy làm tiếc khi các bên liên quan không đạt được tiến bộ trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Min-xcơ. Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông cáo nhấn mạnh, quan hệ Nga - EU đang trải qua giai đoạn phức tạp, mà nguyên nhân chính là do EU tiếp tục gây sức ép trừng phạt Nga về vấn đề U-crai-na. Mới đây, ngay sau khi Hội đồng châu Âu (EC) phê chuẩn chế độ miễn thị thực cho công dân U-crai-na vào EU, Tổng thống nước này P.Pô-rô-sen-cô đã khiến mâu thuẫn giữa Nga và EU thêm gay gắt khi khẳng định rằng, đất nước bên bờ Biển Đen đang từng bước cắt đứt với quá khứ hậu Xô-viết và trở thành một bộ phận của không gian châu Âu văn minh.
Hiện, cuộc khủng hoảng tại U-crai-na vẫn là vấn đề gai góc trong quan hệ giữa Nga và EU. Trong cuộc đối thoại gần đây với Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU P.Mô-ghê-ri-ni mặc dù bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai bên, song vẫn thẳng thắn cho biết, các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt cho xứ sở bạch dương tiếp tục có hiệu lực, và “con đường đi từ Mát-xcơ-va đến trái tim của châu Âu bắt buộc phải thông qua Ki-ép.” Đáp lại những tuyên bố có phần cứng rắn của bà P.Mô-ghê-ri-ni, Bộ trưởng ngoại giao Nga X.La-vrốp cho rằng, nếu như EU muốn các bên thực hiện nghĩa vụ của mình liên quan thỏa thuận hòa bình Min-xcơ, thì việc EU duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga là điều khó hiểu. Theo kế hoạch của EU, các lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể và cá nhân của Nga sẽ kéo dài ít nhất đến giữa tháng 9 năm nay. Trong khi đó, Tổng thống Nga V.Pu-tin cũng gia hạn lệnh cấm nhập khẩu các loại lương thực, thực phẩm từ phương Tây tới cuối năm 2017.
Những năm qua, vòng xoáy trừng phạt kinh tế lẫn nhau đã khiến nền kinh tế của cả Nga và EU nếm trải không ít trái đắng. Viện Nghiên cứu kinh tế Đức cho biết, nền kinh tế Nga phải chịu tổn thất trung bình 2% GDP mỗi quý do lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, GDP thực tế của Nga đã giảm 4,1% từ quý II-2014 cho đến quý III-2015, trong khi, nếu các biện pháp trừng phạt không được áp dụng, nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng 6,9% trong khoảng thời gian này. Ở chiều ngược lại, các đòn “ăn miếng trả miếng” của Mát-xcơ-va cũng khiến Brúc-xen lao đao. Các chuyên gia của lục địa già ước tính, EU thiệt hại 44 tỷ ơ-rô, tương đương với việc 900.000 người mất việc làm từ khi cuộc khủng hoảng tại miền đông U-crai-na bùng nổ.
Thỏa thuận hòa bình Min-xcơ, vốn được ký kết từ năm 2015, cho đến nay vẫn tỏ ra không mấy tác dụng. Nhiều tháng qua, miền đông U-crai-na vẫn chìm trong khói lửa, giao tranh. Liên tục diễn ra các cuộc họp khẩn cấp của Nhóm tiếp xúc về U-crai-na, song những cuộc họp này không mang lại kết quả như mong đợi, khi các bên giao tranh luôn cáo buộc, đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận hòa bình. Kể từ tháng 4-2014 đến nay, hơn 10.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa ở miền đông U-crai-na. Phó Trưởng Phái bộ giám sát thỏa thuận hòa bình Min-xcơ của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) A.Hấc cho biết, nguyên nhân dẫn đến kết quả hạn chế của thỏa thuận hòa bình Min-xcơ là do các bên không tôn trọng và nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Nga và EU đều bày tỏ mong muốn xoa dịu căng thẳng trong quan hệ song phương, nhưng để biến những mong muốn này thành hiện thực, hai bên cần phải làm nhiều hơn, thay vì chỉ đưa ra những lời nói, mà trước hết là phải có hành động thiết thực giải quyết cuộc khủng hoảng tại U-crai-na. Nếu các bên đối đầu ở miền đông U-crai-na không tỏ ra thiện chí, nhượng bộ lẫn nhau và nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận hòa bình thì nút thắt cho cuộc khủng hoảng này vẫn chưa thể được tháo gỡ.
Theo nhandan.com.vn