Ngày 12-3, Cố vấn Tổng thống Phi-líp-pin về tiến trình hòa bình, ông Giê-du Ðu-rê-da, thông báo Chính phủ và lực lượng nổi dậy cánh tả đã nhất trí nối lại đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài 48 năm qua.
Trên tài khoản cá nhân Facebook của mình, ông Ðu-rê-da cho biết vòng đàm phán thứ tư giữa Chính phủ Phi-líp-pin với lực lượng Quân đội nhân dân mới/Mặt trận Dân tộc dân chủ sẽ được tổ chức vào đầu tháng 4 tới. Một lệnh ngừng bắn đơn phương sẽ được khôi phục trước vòng đàm phán và có hiệu lực khi lực lượng liên quan được thông báo. Hai bên cũng nhất trí tiến hành vòng hòa đàm chính thức lần thứ 5 vào tháng 6.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: EPA/TTXVN |
Theo ông Ðu-rê-da, thỏa thuận trên là kết quả của các cuộc đàm phán không chính thức diễn ra trong hai ngày 10 và 11-3 tại U-tơ-rếch, Hà Lan. Vị cố vấn này cho biết thêm lệnh ngừng bắn đơn phương sẽ là tiền đề cho một thỏa thuận ngừng bắn song phương tạm thời sau khi các bên nhất trí về các quy định cũng như cơ chế liên quan.
Thông báo về việc nối lại các cuộc hòa đàm được đưa ra hơn một tháng sau khi Tổng thống Rô-đri-gô Ðu-téc-tê ra lệnh kết thúc đàm phán và phát động một cuộc chiến tổng lực chống lại lực lượng nổi dậy.
Anh cần chuẩn bị kịch bản đề phòng thương lượng Brexit đổ vỡ
Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội Anh ngày 12-3 đã đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh Luân Ðôn đang tiến gần hơn tới thời điểm chính thức kích hoạt điều khoản 50 Hiệp ước Lít-xbon - điều kiện bắt buộc để khởi động tiến trình đàm phán giữa Anh và EU liên quan đến Brexit.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội Anh, ông Crít-xpin Blăm, nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền, cảnh báo tiến trình đàm phán giữa Anh và EU một khi đổ vỡ sẽ gây ra “hậu quả hết sức tiêu cực”, gây tổn hại kinh tế cho cả hai phía, buộc nhiều doanh nghiệp và cá nhân rơi vào tình trạng rối loạn pháp lý. Do đó, ông đề xuất Chính phủ Anh cần chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành chuẩn bị một kịch bản đề phòng đàm phán với EU đổ vỡ, trong đó xác định rõ những hậu quả và đưa ra những giải pháp cụ thể, bao gồm hướng dẫn cá nhân, doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn. Theo đánh giá của Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội Anh, công tác chuẩn bị này sẽ giúp củng cố vị thế của Chính phủ Anh và tránh những thỏa thuận không có lợi cho Anh.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Tê-rê-sa Mây sẽ chính thức công bố quyết định Brexit vào ngày 29-3 tới, khởi động tiến trình đàm phán giữa Anh và EU, dự kiến kéo dài 2 năm. Tuy nhiên, bà Mây từng thể hiện rõ lập trường rằng Anh sẽ sẵn sàng rời khỏi EU mà không cần bất kỳ thỏa thuận nào một khi phía EU gây sức ép. Theo bà, một kịch bản “Brexit cứng” còn hơn là chấp thuận những thỏa thuận thua thiệt với EU.
Cảnh sát Hà Lan giải tán người biểu tình ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 12-3, cảnh sát Hà Lan đã dùng vòi rồng và ngựa để giải tán đám đông biểu tình nổ ra ở Rốt-téc-đam sau khi nhà chức trách Hà Lan cấm các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới thành phố này.
Sau vài giờ biểu tình khá căng thẳng của hơn 1.000 người bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cảnh sát với nhiều người cưỡi ngựa đã tiến hành giải tán người biểu tình.
Cùng ngày, Thị trưởng Rốt-téc-đam xác nhận Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Phát-ma Bê-tun Say-an Cay-a đã được cảnh sát Hà Lan hộ tống tới biên giới Ðức sau khi bà này bị ngăn phát biểu trước đám đông người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tay-íp Éc-đô-gan. Trước đó, bà Cay-a đã di chuyển bằng đường bộ tới Hà Lan từ Ðức sau khi Chính phủ Hà Lan không cho phép máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh hôm 11-3./.
Theo baotintuc.vn