Thổ Nhĩ Kỳ dừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan

06:03, 15/03/2017

Động thái này diễn ra ngày 13-3, sau khi giới chức Hà Lan ngăn cản các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Hà Lan nhằm vận động bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý về dự luật sửa đổi Hiến pháp sắp tới.

Người biểu tình vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ trước Lãnh sự quán Hà Lan tại TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12-3. (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ trước Lãnh sự quán Hà Lan tại TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12-3. (Ảnh: Reuters)

Quan ngại những căng thẳng tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể lan rộng, một vài quốc gia châu Âu khác cũng không cho phép các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vận động cộng đồng người nước này sống xa quê hương bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-4. Tối 13-3, Thủ tướng Áo Christian Kern cho biết, ông sẽ tìm cách ngăn cản các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động cử tri tại Áo vì “các lý do an ninh công cộng”.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm tăng thêm quyền lực cho người đứng đầu nhà nước, cáo buộc Chính phủ Hà Lan hành động như “tàn dư của phát-xít” khi cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước cộng đồng người nước này tại Hà Lan.

Các lệnh trừng phạt của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm lệnh cấm đại sứ và chuyến bay đến từ Hà Lan, đánh dấu sự đi xuống trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU), tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mong muốn gia nhập. Được biết, lệnh trừng phạt này có thể không bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như hạn chế đi lại đối với dân thường.

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan dường như đang khiến triển vọng về tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mịt mù hơn. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus đe dọa chấm dứt thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu và cho biết thỏa thuận này có thể cần được tính toán lại. Cũng theo ông Kurtulmus, các cuộc họp cấp cao giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan sẽ bị hoãn đến khi Hà Lan chuộc lỗi cho những hành động của mình. Trước đó, Tổng thống Erdogan đe dọa đưa Hà Lan ra Tòa án Nhân quyền châu Âu.

“Chúng tôi đang làm đúng những gì họ đã làm với chúng tôi. Chúng tôi không cho phép máy bay chở các nhà ngoại giao hoặc đại diện ngoại giao Hà Lan hạ cánh hoặc sử dụng không phận của Thổ Nhĩ Kỳ… Những ai tạo ra cuộc khủng hoảng này phải có trách nhiệm sửa lỗi”, Phó Thủ tướng Kurtulmus cho biết trong cuộc họp báo diễn ra sau buổi họp nội các.

Giải thích về hành động của mình, Chính phủ Hà Lan cho biết, chuyến thăm của các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ là không đúng thời điểm trong bối cảnh Hà Lan chuẩn bị tổ chức bầu cử ngày 15-3.

Hiện, khoảng 400 nghìn công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Hà Lan và con số này tại Đức là khoảng 1,5 triệu người. Hà Lan là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ với khoản đầu tư trực tiếp lên tới 22 tỷ USD. Ngoài ra, Hà Lan còn là thị trường lớn thứ tư của các mặt hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Khách du lịch đến từ Hà Lan là yếu tố quan trọng đối với ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 900 nghìn người Hà Lan đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com