Theo TTXVN và Roi-tơ, ngày 1-3, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khẳng định, Mỹ duy trì các cam kết mạnh mẽ với các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo USTR, Chính quyền Tổng thống Đ.Trăm sẽ đàm phán các thỏa thuận thương mại mới, có lợi hơn với các nước tại các thị trường chủ chốt, theo cách thức công bằng hơn với người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở đường cho các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và các thành viên TPP.
Đô đốc Harry Harris. Ảnh: AP. |
* Cùng ngày, trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, một nhóm nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa kêu gọi Chính phủ Mỹ tiếp tục dành ưu tiên về thời gian và nguồn lực cho châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có nhiều lợi ích với chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo họ, việc Tổng thống Đ.Trăm tiếp tục theo đuổi chính sách châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền tiền nhiệm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhóm nghị sĩ lưỡng đảng cũng ủng hộ Sáng kiến Ổn định châu Á - Thái Bình Dương (ASPI), dành 7,5 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng tới năm 2022 cho các lực lượng Mỹ và đồng minh ở khu vực.
* Trong khi đó, giới chức ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về đề xuất cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao và một số cơ quan Chính phủ, nhằm tăng nguồn lực cho quân đội. Theo chuyên gia cấp cao Bộ Ngoại giao I.Gôn-đen-bớc, đề xuất của Tổng thống Đ.Trăm có thể gây nguy hại đến mục tiêu nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông. Hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa L.Gra-ham và M.Ru-bi-ô cho rằng, an toàn của các nhân viên ngoại giao Mỹ ở nước ngoài có thể bị đe dọa do thiếu kinh phí hoạt động. Khoảng 120 tướng và đô đốc về hưu đã cùng ký thư yêu cầu Tổng thống dừng kế hoạch này.
* Phần đông giới doanh nghiệp Mỹ chia sẻ quan ngại chung rằng, một số chính sách của Chính quyền Tổng thống Đ.Trăm có thể gây tác động tiêu cực. Theo báo cáo Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 1-3, những quan ngại của giới doanh nghiệp tập trung vào tác động của việc tăng thuế nhập khẩu và giới hạn người nhập cư, có thể đẩy giá nhân công lên cao, tác động xấu tới sản xuất ô-tô, nông nghiệp...
* Dù vẫn còn nghi ngại về đề xuất ngân sách, dư luận Mỹ đánh giá khá tích cực về bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Đ.Trăm trước QH hôm 1-3. Theo khảo sát của CBS News/YouGov, 76% số người theo dõi bài phát biểu tán thành những nỗ lực của ông Trăm. Phần đông nghị sĩ Cộng hòa hoan nghênh thông điệp gắn kết của Tổng thống. Phe Dân chủ bày tỏ thái độ thận trọng, nhưng cũng đánh giá bài phát biểu có nhiều nội dung mang tính ôn hòa hơn so nhiều tuyên bố trước đây của ông Trăm...
Theo nhandan.com.vn