Quyết định trục xuất Ðại sứ Triều Tiên được Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a đưa ra vào chiều muộn ngày 4-3 là do Cu-a-la Lăm-pơ đã không nhận được lời xin lỗi từ phía Bình Nhưỡng.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a nêu rõ vào lúc 17 giờ ngày 28-2, các quan chức Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a đã có cuộc gặp với phái đoàn cấp cao Triều Tiên do ông Kim Song dẫn đầu. Tại cuộc gặp, Chính phủ Ma-lai-xi-a yêu cầu Triều Tiên phải đưa ra lời xin lỗi bằng văn bản cho những cáo buộc trước đó của Ðại sứ Triều Tiên tại Ma-lai-xi-a Cang-chon. Ðại sứ Cang-chon cáo buộc Ma-lai-xi-a từ chối trao trả thi thể của công dân Triều Tiên, đồng thời cho rằng Ma-lai-xi-a “đang che giấu điều gì đó” và thông đồng với các thế lực thù địch chống lại Bình Nhưỡng.
Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol bị Malaysia trục xuất. Ảnh: News Strait Times. |
Phía Ma-lai-xi-a thông báo trước 22 giờ cùng ngày, nếu Ma-lai-xi-a không nhận được phản ứng gì từ phía Triều Tiên, Chính phủ Ma-lai-xi-a sẽ có biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của mình.
Theo Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a, gần 4 ngày đã trôi qua kể từ thời hạn nói trên, tuy nhiên không có lời xin lỗi nào được đưa ra cũng như không có dấu hiệu nào cho thấy việc đó sắp diễn ra. Vì lý do này, phía Ma-lai-xi-a tuyên bố Ðại sứ Triều Tiên Cang-chon là “người không được chấp thuận”. Theo đó, Ðại sứ Cang-chon bị cấm nhập cảnh và không được phép ở lại Ma-lai-xi-a. Ðây là hình thức phản đối nghiêm trọng nhất mà một quốc gia có thể áp dụng đối với các nhà ngoại giao nước ngoài.
Nga quyết theo đuổi tới cùng cuộc chiến chống IS
Theo phóng viên TTXVN tại Mát-xcơ-va, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Ðmi-tri Pê-scốp, đưa ra tuyên bố trên ngày 4-3 sau khi được hỏi về việc liệu Nga có sẵn sàng một mình tiếp tục cuộc chiến chống IS hay không.
Trước đó cùng ngày, hãng tin AP của Mỹ dẫn lời một số quan chức chính phủ và nhà ngoại giao phương Tây rằng trước hàng loạt câu hỏi về mối quan hệ với Nga, tân Tổng thống Mỹ Ðô-nan Trăm đã tuyên bố sẽ gác lại, có thể là tạm thời, kế hoạch theo đuổi một thỏa thuận với Mát-xcơ-va liên quan đến IS cũng như một số vấn đề an ninh quốc gia khác. Ông Trăm cũng cho biết thêm quyết định trên là do áp lực gia tăng từ dư luận Mỹ liên quan đến các cáo buộc về mối quan hệ từ trước đó của ông với chính quyền tại Mát-xcơ-va.
Hiện sự hợp tác giữa Nga và chính quyền mới tại Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế vẫn là câu hỏi để ngỏ. Về phần mình, tân Tổng thống Trăm đã thể hiện quyết tâm tiêu diệt IS sau khi nhiều lần chỉ trích sự chậm chạp của chính quyền tiền nhiệm Ba-rắc Ô-ba-ma.
Khám xét nhà ứng viên Tổng thống Pháp Phi-lông
Bất chấp các sóng gió liên tiếp, ứng cử viên Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Phi-lông thể hiện sự kiên định trong cuộc đua vào Ðiện Ê-li-dê.
Phát biểu ngày 4-3 với khoảng 1.500 người ủng hộ, chính khách theo đường lối bảo thủ này tuyên bố những đối thủ đang tìm cách hạ bệ, bôi xấu uy tín của ông và đe dọa chính các cử tri trung thành với ông. Ứng cử viên Phi-lông nhấn mạnh những hành động này là nhằm “triệt tiêu” nguyện vọng về một sự thay đổi của cử tri Pháp. Ông đồng thời phủ nhận mọi cáo buộc sai phạm trong vụ bê bối tài chính đang bị điều tra và khẳng định vụ việc này mang động cơ chính trị thuần túy.
Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Pháp đã khám xét căn biệt thự điền trang của ứng cử viên Tổng thống Phrăng-xoa Phi-lông, nhằm tìm chứng cứ trong vụ bê bối liên quan đến việc trả lương cho vợ ông tại Quốc hội. Các nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết vụ khám xét căn biệt thự tại vùng Bô-xe, gần Thị trấn Lơ Man, phía Tây Bắc nước Pháp, đã kết thúc vào tối ngày 3-3. Trước đó một ngày, cảnh sát cũng đã khám xét nhà riêng của ông Phi-lông tại Thủ đô Pa-ri để điều tra về cáo buộc vợ và con trai ông “làm giả lĩnh lương thật” trong thời gian ông làm nghị sĩ.
Sóng gió liên tiếp ập đến khiến uy tín và tỷ lệ ủng hộ ông Phi-lông sụt giảm mạnh. Ông đã nhận được giấy triệu tập đến tòa án vào ngày 15-3 liên quan bê bối tài chính. Tháng trước, cảnh sát cũng đã khám xét phòng làm việc của ông Phi-lông tại Quốc hội Pháp./.
Theo baotintuc.vn