Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã trao đổi nhiều vấn đề nóng bỏng, trong đó có Biển Đông.
Theo Roi-tơ, trước khi có cuộc gặp kéo dài chỉ vẻn vẹn 7 phút với Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, ông Dương Khiết Trì đã có các cuộc đối thoại với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. Mắc Mát-xtơ, cố vấn cấp cao và cũng là con rể của ông Trăm, Gia-rét Cu-xnhơ và chiến lược gia hàng đầu của Nhà Trắng Stíp Ban-nơn.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, nội dung các cuộc đối thoại chủ yếu bàn về các vấn đề an ninh chung - trong đó có Biển Đông, cũng như việc sắp xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống Đô-nan Trăm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ - Trung
Người phát ngôn Nhà Trắng Xên Spai-xơ cho biết, cuộc gặp ngắn ngủi giữa ông Trăm và ông Dương Khiết Trì “là một cơ hội để ông Dương Khiết Trì đến chào Tổng thống Đô-nan Trăm” trước khi trở về nước.
“Đây là cơ hội để Mỹ và Trung Quốc đối thoại và để phía Mỹ chia sẻ với Trung Quốc về những lợi ích chung liên quan đến việc bảo đảm an ninh quốc gia”, ông Spai-xơ tuyên bố tại cuộc họp báo sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Dương Khiết Trì phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm rằng, Trung Quốc mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ ở mọi cấp độ khác nhau, thúc đẩy hợp tác và tôn trọng những lợi ích cốt lõi và những mối lo ngại chính của phía đối tác.
“Việc đảm bảo được sự phát triển ổn định và lành mạnh của mối quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho nhân dân 2 nước và nhân dân trên toàn thế giới”, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh.
Ông Dương Khiết Trì là quan chức hàng đầu của Trung Quốc đến thăm Nhà Trắng kể từ khi ông Đô-nan Trăm chính thức nhậm chức vào ngày 20-1. Chuyến thăm Mỹ của ông Dương Khiết Trì diễn ra sau khi ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Rếch Tai-lơ-sơn có cuộc điện đàm vào tuần trước, trong đó cả hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ Mỹ - Trung.
Đây được cho là nỗ lực của cả hai bên trong việc cải thiện quan hệ Mỹ - Trung vốn đã xuống rất thấp kể từ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Đô-nan Trăm - người thường xuyên có những lời lẽ chỉ trích gay gắt nhằm vào Trung Quốc.
Đô-nan Trăm thay đổi thái độ với Trung Quốc
Trong suốt quá trình vận động tranh cử và ngay cả khi đã trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trăm đã cáo buộc Trung Quốc lũng đoạn thị trường thương mại, phản đối Trung Quốc xây dựng các công trình quân sự ở Biển Đông và lên án Trung Quốc không làm hết sức mình trong việc kiềm chế “người láng giềng” Triều Tiên.
Ông Trăm còn khiến Trung Quốc hết sức tức giận khi tiến hành các cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và dọa sẽ không duy trì chính sách “một Trung Quốc” như trước đây nữa.
Tuy nhiên, sau đó, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trăm đã thay đổi thái độ và cam kết sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.
Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với
Roi-tơ ngày 23-2, ông Trăm kêu gọi Trung Quốc cần gây áp lực hơn nữa đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Ông Trăm khẳng định, Bắc Kinh có thể giải quyết vấn đề này “hết sức dễ dàng nếu họ muốn như vậy”.
Một ngày sau, phía Trung Quốc lên tiếng bác bỏ quan điểm của ông Trăm và nhấn mạnh, điểm cốt yếu trong vấn đề này chính là thái độ thù địch của Mỹ nhằm vào Triều Tiên.
Phía Trung Quốc cho rằng, họ đã nhiều lần kêu gọi Triều Tiên và các cường quốc trên thế giới ngồi lại đàm phán với nhau về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Mỹ - Nhật - Hàn tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên
Trong khi ông Dương Khiết Trì đối thoại với các quan chức Nhà Trắng, các quan chức cao cấp khác của Mỹ lại có cuộc gặp với các quan chức cao cấp của Nhật Bản và Hàn Quốc để bàn về các biện pháp đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
“Các quan chức Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã cân nhắc các biện pháp nhằm thắt chặt hơn nữa nguồn tài trợ cho chương trình sản xuất vũ khí của Triều Tiên, đặc biệt là các hoạt động phi pháp của nước này”, thông cáo của các quan chức Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc nêu rõ.
Các quan chức này cũng khẳng định rằng, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân của Triều Tiên đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế “cần gây áp lực mạnh mẽ” để đẩy lùi tham vọng của Triều Tiên.
Trước đó, Triều Tiên và Mỹ đã hủy kế hoạch nối lại liên hệ giữa hai nước sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp visa cho một quan chức cấp cao của Triều Tiên vào nước này./.
Theo VOV