Theo kết quả thăm dò của Viện INSA (Đức) công bố trên tờ Hình ảnh (Bild) ngày 13-2, ba đảng thiên tả có thể hội đủ số phiếu ủng hộ để thành lập liên minh cầm quyền, theo đó có thể đánh bại liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken trong cuộc tổng tuyển cử ở Đức, dự kiến diễn ra vào tháng 9-2017.
Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đạt 31%, trong khi tỷ lệ ủng hộ liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Méc-ken ở mức 30%.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đảng Cánh tả vẫn giữ ở mức 10% và đảng Xanh 7%. Như vậy, ba đảng thiên tả gồm SPD, đảng Cánh tả và đảng Xanh nếu thành lập liên minh sẽ chiếm tổng số 48% số phiếu ủng hộ, vượt quá số phiếu của liên đảng bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do (FDP, được 5%) cộng lại.
Báo trên đánh giá, đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài, ba đảng thiên tả hội đủ số phiếu ủng hộ trong các cuộc thăm dò để có thể “hạ bệ” liên đảng bảo thủ của bà Méc-ken. Trong cuộc tổng tuyển cử Đức năm 2013, mặc dù ba đảng SPD, đảng Cánh tả và đảng Xanh có đủ số phiếu bầu để thành lập một liên minh, song các đảng này đã không bắt tay nhau do SPD thời điểm đó bác bỏ một liên minh với đảng Cánh tả.
Thủ tướng Nhật Bản không loại trừ FTA với Mỹ
Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê ngày 14-2 đã không loại trừ khả năng thương lượng một hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ. Đây được coi là lựa chọn mà Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm ủng hộ song được xem là mối quan ngại với Tô-ky-ô khi lường trước những rủi ro có thể xảy ra.
Phát biểu tại một phiên họp của Ủy ban Ngân sách thuộc Hạ viện Nhật Bản, ông A-bê nói: “Tôi không ngại ngần một FTA. Nó sẽ có lợi nếu phục vụ cho các lợi ích quốc gia. Nếu không, rõ ràng Nhật Bản sẽ không xúc tiến các cuộc thương lượng”. Thủ tướng A-bê đưa ra nhận định trên sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tại Oa-sinh-tơn hôm 10-2, trong đó hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiến hành đối thoại kinh tế cấp cao bao gồm khả năng thảo luận một khuôn khổ thương mại song phương.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc lên án Triều Tiên tăng cường năng lực tên lửa
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hoang Ky-ô-an ngày 13-2 đã lên án Triều Tiên tìm cách phát triển năng lực tên lửa thông qua “các vụ phóng thử không ngừng”. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về động thái này của Bình Nhưỡng.
Ông Hoang đưa ra phát biểu trên tại một cuộc họp nội các sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cùng ngày ra tuyên bố lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên vào ngày 12-2 vừa qua cũng như vụ thử hồi tháng 10-2016. Quyền Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên “là hành động khiêu khích, đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á cũng như thách thức các nghị quyết của HĐBA LHQ và bất chấp các cảnh báo của cộng đồng quốc tế”.
Ông Hoang cũng chỉ thị các thành viên Nội các Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và các nước đồng minh để gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh và các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Hiện Triều Tiên phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt của LHQ liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trong vụ phóng mới nhất ngày 12-2 vừa qua, Triều Tiên thông báo tên lửa được phóng là một tên lửa đạn đạo tầm trung mới có tên Pukguksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn, phiên bản mới của loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tên lửa này đã bay được khoảng 500km và đạt độ cao khoảng 550km. Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, tên lửa này có tầm bắn hơn 2.000km. Trong vụ phóng hồi tháng 10-2016, Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, có tầm bắn thiết kế từ 3.000-4.000km./.
Theo baotintuc.vn