Tờ “Thời báo Ma-ni-la” của Phi-líp-pin mới đây đưa tin cựu Đại sứ Mỹ Phi-líp Gôn-đơ-béc đã để lại một kế hoạch lật đổ Tổng thống Rô-đri-gô Đu-téc-tê trước khi rời nhiệm. Điều này khiến quan hệ Mỹ - Phi-líp-pin vốn đang ngày càng lạnh nhạt lại phải đối mặt với thách thức mới.
Đài Bắc Kinh dẫn bài viết cho biết kế hoạch trên nhận định ông Đu-téc-tê hay giễu cợt những người xung quanh, bởi vậy không có mấy bạn bè. Thế lực chống Đu-téc-tê có thể tận dụng điểm này, cô lập ông ta về chính trị, đồng thời dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ cô lập Phi-líp-pin về kinh tế và quân sự, từ đó đạt được mục đích hạ bệ ông.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong giờ phút đầu tiên đã phủ nhận cáo buộc này, cho biết tin đưa không có căn cứ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ mượn lời của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri nói rằng Mỹ tôn trọng chủ quyền của Phi-líp-pin cũng như lựa chọn của nhân dân Phi-líp-pin.
Về việc này, Phủ Tổng thống Phi-líp-pin cũng cho rằng tin đưa trên mạng là không đáng tin cậy. Nhưng khi đáp lại vụ này, phía Phi-líp-pin đã nhiều lần dùng cách nói “Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận”. Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Phi-líp-pin nói: “Bạn biết đấy, đây là ngôn luận trên mạng, mọi người đều có thể truy cập mạng. Hơn nữa chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin nào từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận họ có kế hoạch như vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phủ nhận có liên quan đến vụ việc tương tự. Điều tôi muốn nói là, Tổng thống đánh giá cao sự tin cậy của nhân dân, nhân dân cũng ủng hộ Tổng thống. Như vậy xem ra, muốn dùng phương pháp trong bài viết này để lật đổ Tổng thống là rất khó khăn”.
Phủ Tổng thống Phi-líp-pin không dự định khoét sâu mâu thuẫn giữa Phi-líp-pin với Mỹ và đáp lại như vậy là “trong mềm có cứng”. Tổng thống Đu-téc-tê nhấn mạnh, là Tổng thống, ông thường phải đối mặt và giải quyết các vấn đề, ông cũng thẳng thừng, trong đó kể cả việc người Mỹ muốn loại ông ra ngoài cuộc.
|
Tổng thống Phi-líp-pin Rô-đri-gô Đu-téc-tê (phải) tiếp đón Đại sứ Mỹ Phi-líp Gôn-đơ-béc (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri tới thăm Điện Ma-la-ca-nang ngày 27-7-2016. Ảnh: Roi-tơ |
Tổng thống Đu-téc-tê nói: “Bạn cần đối mặt với các vấn đề này, đặc biệt là trên vấn đề luật pháp và sắc lệnh hành chính, đương nhiên có cả vấn đề Biển Đông và tất cả các việc khác. Có người nói người Mỹ muốn loại tôi ra ngoài cuộc. Mỗi ngày bạn phải suy nghĩ về những việc này, bạn phải đưa ra lựa chọn, đó mới là việc cần phải giải quyết cấp bách nhất, cần thiết nhất”. Mặc dù nhiều lần từng bày tỏ không tham lam quyền lực, nhưng đối mặt với sự khiêu khích, Tổng thống Đu-téc-tê nói mình sẽ bảo vệ chức Tổng thống.
Quan hệ khó xử giữa Tổng thống Phi-líp-pin và cơ quan ngoại giao Mỹ chỉ là hình ảnh thu nhỏ của quan hệ Mỹ - Phi-líp-pin hiện nay. Chính phủ Mỹ liên tục phản đối kế hoạch chống ma túy của Tổng thống Phi-líp-pin Đu-téc-tê, khiến thái độ của Tổng thống Đu-téc-tê đối với Mỹ càng cứng rắn hơn. Mặc dù quan hệ đồng minh hiện có giữa hai nước hiện nay chưa xuất hiện sự giải thể thực chất, nhưng Phi-líp-pin đã bắt đầu suy nghĩ phương án thay thế, đồng thời mong đối trọng với tầm ảnh hưởng to lớn của Mỹ đối với Phi-líp-pin thông qua phương thức giữ mối quan hệ hữu nghị với nhiều nước hơn.
Trong khi đó, hãng tin Roi-tơ mới đây cho biết Tổng thống Phi-líp-pin Đu-téc-tê đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng nước này dời địa điểm tập trận chung với hải quân Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Ma-ni-la đang cố cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Đen-phin Lô-ren-da-na, các cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ có thể được dời đến khu vực Min-đa-nao. Phi-líp-pin trước đó đã quyết định giảm con số các cuộc thao dượt quân sự với đồng minh lâu đời là Mỹ, sau khi Tổng thống Đu-téc-tê quyết định “xoay trục” sang Trung Quốc. Khi đến thăm Bắc Kinh vào tháng 10-2016, ông Đu-téc-tê thậm chí đã tuyên bố “chia tay” với Mỹ, quốc gia đã viện trợ quân sự tổng cộng gần 800 triệu USD cho Phi-líp-pin từ năm 2002.
Ngày 29-12 vừa qua, Tổng thống Phi-líp-pin đã nhắc lại rằng ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và nói rằng không có gì cấp thiết trong việc yêu cầu Bắc Kinh thi hành phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) về vụ kiện Biển Đông. Phán quyết được Tòa đưa ra vào ngày 12-7-2016 nhưng đã bị Trung Quốc bác bỏ. Tuy vậy, Tổng thống Đu-téc-tê xác định rằng nếu Trung Quốc bắt đầu khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền Phi-líp-pin thì ông sẽ áp dụng phán quyết của Tòa Trọng tài để chống lại Bắc Kinh./.
Theo TTXVN