Trận bão tuyến đã đổ bộ vào Thành phố Niu-oóc sáng 7-1 theo giờ địa phương với lượng tuyết rơi dày tới 30cm tại nhiều khu vực. Tuyết rơi cùng với mưa đã khiến nền nhiệt giảm hơn 10 độ C. Giới chức thành phố đã phải đưa ra các cảnh báo thời tiết nguy hiểm tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bão tuyết này, trong khi các công nhân môi trường và xe ủi tuyết tích cực dọn dẹp tuyết để đảm bảo giao thông không bị ngưng trệ.
Tuyết rơi dày đặc tại Cannon Ball, Bắc Dakota. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, bão tuyết cũng ảnh hưởng tới nhiều khu vực miền Nam nước Mỹ, với lượng tuyết rơi dày 20cm, gây cản trở hoạt động đi lại của người dân và nhiều trường học phải đóng cửa.
Thời tiết xấu bất thường cũng khiến hãng hàng không Southwest Airlines phải hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay xuất phát từ sân bay quốc tế Ra-lây-gơ Đu-ham. Tính chung đã có tổng cộng 3.200 chuyến bay phải hủy và hơn 7.900 chuyến bay phải hoãn do thời tiết xấu tại miền Nam nước Mỹ.
Giao tranh dữ dội tại Y-ê-men, gần 20 người thiệt mạng
Lực lượng quân đội trung thành với Chính phủ Y-ê-men ngày 7-1 đã tấn công các vị trí của quân nổi dậy ở khu vực duyên hải Biển Đỏ, khiến ít nhất 7 quân nhân, trong đó có 1 sĩ quan cấp tướng và 11 phiến quân thiệt mạng.
Cuộc tấn công diễn ra tại quận Đu-báp, cách eo biển Báp An Man-đáp nối Biển Đỏ và Ấn Độ Dương chỉ 30km về phía Bắc, sau khi chính phủ điều viện binh từ A-đen, nơi đặt trụ sở của chính quyền Tổng thống Ha-đi ở miền Nam Y-ê-men.
Chính phủ Y-ê-men và lực lượng đồng minh thuộc liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu đã tái chiếm eo biển Báp An Man-đáp vào tháng 10-2015. Tuy nhiên, quân nổi dậy vẫn kiểm soát gần như toàn bộ khu vực duyên hải Biển Đỏ phía Bắc, điều mà liên quân A-rập coi là mối đe dọa đối với hoạt động vận tải biển quốc tế.
Với sự hỗ trợ của liên quân A-rập, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Y-ê-men A-bê-đra-bô Man-sua Ha-đi Hu-thi đang chiến đấu với phiến quân Hu-thi theo dòng Hồi giáo Si-ai và các chiến binh Hồi giáo cực đoan ở miền Nam.
Y-ê-men rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi phiến quân Hu-thi và các lực lượng đồng minh chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của Y-ê-men, trong đó có Thủ đô Sa-na. Tháng 3-2015, liên quân A-rập do A-rập Xê-út đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính quyền được quốc tế công nhận của Tổng thống Ha-đi.
Sau khi có hiến pháp mới, đến đầu 2018 Thái Lan mới bầu cử
Phó Thủ tướng Thái Lan Oai-sa-nu Krê-ngam cho biết Thái Lan có thể chỉ tiến hành tổng tuyển cử vào đầu 2018, tức là 19 tháng sau khi bản hiến pháp mới vừa được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 7-8-2016 có hiệu lực.
Phóng viên TTXVN dẫn lời ông Oai-sa-nu ngày 7-1 nói rằng lộ trình đi đến tổng tuyển cử sẽ được tính từ thời điểm bản hiến pháp này được Nhà vua Ra-ma X ký ban hành.
Trước đó, đầu tháng 11-2016, bản hiến pháp mới đã được trình lên Nhà vua Ra-ma X và thời gian chờ ký phê chuẩn là 90 ngày, tức là đến tháng 2-2017.
Sau khi hiến pháp mới có hiệu lực, trong vòng 240 ngày Quốc hội phải thông qua 10 đạo luật phát sinh và sau đó cần có 3 tháng chờ Hoàng gia ký ban hành.
Phó Thủ tướng Thái Lan cho biết thêm “sau khi các đạo luật mới được ban hành, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị bầu cử. Cuộc bầu cử toàn quốc sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian 5 tháng sau đó”.
Trước đó, Thủ tướng Pray-út Chan-ô-cha đã nói rằng Thái Lan có thể sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào đầu năm 2018./.
Theo baotintuc.vn