Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiến hành sửa đổi Hiến pháp, nhằm tăng cường quyền lực cho Tổng thống, trong bối cảnh quốc gia nằm giữa hai bờ lục địa Á-Âu này đang đối mặt hàng loạt thách thức. Kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tiến hành mọi biện pháp để siết chặt an ninh, củng cố bộ máy chính quyền, nhằm ổn định tình hình.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ rà soát an ninh ở thành phố I-xtan-bun. Ảnh ROI-TƠ |
Quốc hội (QH) Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một số điều khoản của dự luật Hiến pháp sửa đổi, theo đó tăng cường quyền lực cho Tổng thống T.Éc-đô-gan. Trong đó, có quy định các cuộc bầu cử QH được tổ chức 5 năm một lần thay vì 4 năm như hiện nay; Tổng thống sẽ nắm quyền hành pháp, được quyền chỉ định thành viên chính phủ và đề xuất các khoản thu chi ngân sách, cũng như ban bố tình trạng khẩn cấp. Bên cạnh đó, ông Éc-đô-gan cũng có thể tại nhiệm thêm hai nhiệm kỳ, từ nay đến năm 2029. Sau khi được QH thông qua, Hiến pháp sửa đổi sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân, dự kiến tháng 4 tới. Trong trường hợp không được QH thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tổ chức bầu cử.
Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt mối đe dọa an ninh nghiêm trọng sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tiến công khủng bố. Các vụ tiến công xảy ra trong bối cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và lực lượng vũ trang người Cuốc tại các tỉnh biên giới của Xy-ri giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2016, thành phố I-xtan-bun, thủ đô An-ca-ra và nhiều thành phố khác của Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu nhiều cuộc tiến công do các tay súng thánh chiến và các nhóm vũ trang người Cuốc thực hiện, làm hàng trăm người thiệt mạng. Những nguy cơ gây bất ổn Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ lực lượng người Cuốc nổi dậy trong nước và các phần tử IS trong khu vực.
Để ngăn chặn các mối đe dọa này, kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái, Tổng thống Éc-đô-gan đã tăng cường trấn áp lực lượng bị cáo buộc đứng sau âm mưu chính biến ở nước này. Chính quyền đã tiến hành điều tra gần 102 nghìn người, giam giữ 41 nghìn người chờ xét xử và đình chỉ công tác hoặc sa thải hơn 100 nghìn người làm việc trong các ngành quân đội, tòa án, dân chính hoặc các ngành khác. Đa số những người này đều bị nghi liên quan mạng lưới ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Gu-len, người sống lưu vong ở Mỹ và bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành.
Hồi đầu tháng 1 vừa qua, QH Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ kéo dài thêm ba tháng tình trạng khẩn cấp. Đây là lần thứ hai An-ca-ra gia hạn tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt từ sau vụ đảo chính quân sự. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho đây là bước đi cần thiết nhằm kéo dài cuộc thanh trừng những người ủng hộ Giáo sĩ Gu-len.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan đã và đang tích cực thúc đẩy các đề xuất cải cách Hiến pháp, đồng thời khẳng định những cải cách này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thịnh vượng hơn, giảm bớt các vấn đề bất ổn. Ông cũng khẳng định quyết tâm tiêu diệt đến cùng chủ nghĩa khủng bố và sẽ thực hiện mọi biện pháp, từ quân sự, kinh tế, chính trị đến xã hội nhằm chống lại các tổ chức khủng bố và các quốc gia hỗ trợ chúng, để bảo đảm an ninh cho người dân và góp phần giữ gìn hòa bình trong khu vực.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều bày tỏ lo ngại khi những đề xuất thay đổi Hiến pháp sẽ cho phép quyền lực tập trung chủ yếu vào tay của Tổng thống.
Theo nhandan.com.vn