Kỷ nguyên Ô-ba-ma sắp kết thúc với việc hàng nghìn binh sĩ Mỹ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở Ba Lan nhằm răn đe Nga - điều mà Mát-xcơ-va coi là một mối đe dọa - trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Đô-nan Trăm đang khôi phục mối quan hệ đã bị phá hủy này.
Những tín hiệu tích cực
Theo tờ
The Times of London, ông Trăm đã đề nghị chấm dứt trừng phạt Nga về vấn đề sáp nhập bán đảo Crưm để đổi lại một thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân với Mát-xcơ-va. Trong cuộc phỏng vấn với tờ
Times of London, ông Trăm đã bày tỏ mong muốn cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga xuống mức tối thiểu: “Chúng ta đã trừng phạt Nga, hãy xem xét khả năng chúng ta có thể đạt được một vài thỏa thuận tốt với nước này. Tôi nghĩ rằng vũ khí hạt nhân cần phải được giảm thiểu đến mức độ cơ bản, đó là một phần của thỏa thuận. Nga đã bị thiệt hại nặng nề bởi trừng phạt và tôi nghĩ rằng có khả năng nào đó để đôi bên cùng có lợi”. Ông Trăm cho rằng cách tiếp cận như vậy sẽ giúp làm “giảm leo thang những căng thẳng quốc tế”.
Trước đó, tờ
Sunday Times đưa tin Tổng thống Mỹ đắc cử Trăm muốn có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin tại Anh. Ông Trăm dự định tổ chức cuộc gặp với ông Pu-chin tại Rây-gia-vích, Thủ đô Ai-xơ-len, vài tuần sau khi trở thành tổng thống Mỹ. Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trăm đã trao đổi với các quan chức Anh về kế hoạch này. Các nguồn tin thân cận với Đại sứ quán Nga tại Luân Đôn, Anh, cho biết phía Mát-xcơ-va sẽ nhất trí với việc tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Ông Trăm được cho là sẽ làm việc về thoả thuận hạn chế vũ khí hạt nhân, nằm trong quá trình “khởi động lại” quan hệ Nga - Mỹ.
Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trăm trên cương vị ông chủ Nhà Trắng. Cuộc họp thượng đỉnh nếu diễn ra sẽ vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mi-khai-in Goóc-ba-chốp, hồi tháng 10-1986 tại Rây-gia-vích, trong chuỗi khởi động lại quan hệ hai nước. Thông tin về họp thượng đỉnh giữa ông Trăm và Pu-chin được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ cho hay sẵn sàng dỡ lệnh trừng phạt với Nga “theo một số điều kiện nhất định”.
Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Mỹ Đô-nan Trăm đã lên tiếng chỉ trích những ý kiến phản đối một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Trên trang mạng
Twitter, ông Trăm khẳng định một mối quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt và chỉ những “kẻ khờ” mới nghĩ ngược lại. Vị tỉ phú Niu-oóc còn nhận định sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, Nga sẽ tôn trọng Mỹ hơn bây giờ và hai nước có thể sẽ cùng hợp tác để giải quyết một số vấn đề lớn và cấp bách trên thế giới.
Tuyên bố của ông Trăm được đưa ra một ngày sau khi có cuộc gặp giới lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ, trong đó có Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Giêm Cláp-pơ và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Giôn Bren-nan. Cả hai quan chức trên đều cáo buộc Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin chỉ đạo cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống bầu cử Mỹ.
Bên cạnh đó, cựu Giám đốc điều hành của Cty Exxon Mobil, ông Rếch Tai-lơ-sơn, người đã được ông Trăm đề cử cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ, là một người bạn lâu năm với ông Pu-chin. Ông Tai-lơ-sơn nổi tiếng với các cuộc đàm phán thương mại với các nhà lãnh đạo trên thế giới. Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, ông sẽ có cơ hội sử dụng kỹ năng trên của mình trong cương vị là nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Trăm.
|
Tổng thống đắc cử Mỹ Đô-nan Trăm đề cử ông Rếch Tai-lơ-sơn, người từng là bạn lâu năm của ông Pu-chin vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: EPA |
Liên quan đến các biện pháp trừng phạt, trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ
Wall Street Journal đăng trên trang mạng của báo này tối 13-1, ông Trăm cho biết ông sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt “trong một thời gian ngắn” nhưng có thể sớm tháo gỡ các biện pháp này nếu Nga tiếp tay trong cuộc chiến chống khủng bố và đồng thời giúp Mỹ đạt được các mục tiêu quan trọng khác. Ông Trăm cũng xác nhận là sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Nga.
Về phần mình, theo
Washington Post, Nga đã mời chính quyền Trăm dự một vòng đàm phán hòa bình Xi-ri tổ chức tại Át-ta-na, thủ đô của Ca-dắc-xtan, vài ngày sau lễ nhậm chức Tổng thống của ông Trăm. Đại sứ Nga tại Oa-sinh-tơn, ông Xéc-gây Ki-sly-ắc, đã đưa ra lời mời này vào tháng trước trong một cuộc điện đàm với ông Mai-cơn Phơ-lin, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trăm, trong khi chính phủ của Tổng thống Ô-ba-ma không được mời dự đàm phán.
Cú huých từ một số lợi ích tương đồng
Kênh truyền hình
CNBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng sau khi nhậm chức khoảng vài tuần, ông Trăm có thể thiết lập chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm đưa mối quan hệ Nga - Mỹ xích lại gần nhau hơn và dẫn đến sự tiến bộ trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như cuộc khủng hoảng Xi-ri. Các chuyên gia chính sách đối ngoại cũng dự báo một “sự thỏa hiệp lớn” có thể được đàm phán giữa ông Trăm và Tổng thống Nga Pu-chin, vốn có thể giải quyết cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và cuộc xung đột Xi-ri.
“Khi có sự thay đổi trong giới lãnh đạo và những lợi ích khác tương đồng, khi đó có những điều có thể thực sự được cải thiện một cách nhanh chóng”, Rô-bét Inh-glích, chuyên gia về Nga và hiện là người đứng đầu Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nam Ca-li-phoóc-ni-a nói.
Các nhà phân tích chính sách đối ngoại nhận định có một số lý do để Nga hướng tới việc cải thiện quan hệ, cụ thể là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. “Ông Pu-chin có vấn đề với những phần tử Hồi giáo cực đoan và Mỹ cũng vậy”, Tu-dan-xki, người từng làm việc trong cộng đồng tình báo Mỹ dưới thời chính quyền Ri-gân giải thích.
Ngoài ra, theo
CNBC, tại thời điểm này, mối quan hệ tốt hơn với Nga có thể giúp chính quyền mới của Mỹ hạn chế những tham vọng từ Trung Quốc, trong đó có việc xây dựng (phi pháp) những đảo nhân tạo ở Biển Đông cũng như các hành động kinh tế và quân sự khác.
Một số chuyên gia phân tích nhất trí rằng lịch sử “oán thán” giữa ông Ô-ba-ma và ông Pu-chin có lẽ đã “nhấn chìm” những cơ hội làm tan băng mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Điện Krem-lin. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng bất kỳ một thỏa thuận nào mà ông Trăm muốn có để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga sẽ vẫn phải đối mặt với sự phản đối từ thế lực “diều hâu” chống Nga tại Quốc hội Mỹ.
Chuyên gia phân tích tại Trung tâm Chính sách Quốc phòng và An ninh Quốc tế của RAND Crít-xtốp-phơ Chi-vít người từng là sĩ quan chính sách an ninh Á - Âu tại Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Ô-ba-ma nhận định: “Nếu chính quyền Trăm nỗ lực cài đặt lại mối quan hệ với Nga, đây sẽ là chính quyền thứ 4 tìm cách làm như vậy. Ông Trăm cũng có thể nỗ lực làm điều đó, nhưng thực sự theo phân tích của tôi thì những lợi ích của Nga và Mỹ là không tương đồng nhau trên nhiều vấn đề khác và sẽ gặp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ”./.
Theo Báo Tin Tức