Kết quả sơ bộ của vòng 2 cuộc bầu cử sơ bộ cánh tả diễn ra ngày 29-1 cho thấy cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon đã vượt qua cựu Thủ tướng Manuel Valls với tỷ lệ cách biệt cao, 58,87-41,13%. Thắng lợi của ứng cử viên B. Hamon đã được dự báo trước và chính thức trở thành đại diện của cánh tả và đảng Xã hội ra tranh cử Tổng thống vào tháng 4.
Theo thống kê tại 5.639 điểm bỏ phiếu (78,23%), tỷ lệ đi bầu của vòng 2 cao hơn vòng 1, gần 2 triệu phiếu bầu so với hơn 1,65 triệu trong vòng 1 diễn ra một tuần trước.
Phát biểu trước những người ủng hộ sau khi biết kết quả sơ bộ, ông B. Hamon nói rằng điều quan trọng nhất lúc này là sự đoàn kết để cánh tả có thể vượt qua các ứng cử viên của cánh hữu và cực hữu. Ông cam kết nếu thắng cử sẽ thực hiện những đề xuất đã đưa ra, trong đó có kế hoạch trả 750 euro hằng tháng cho tất cả người Pháp từ 18 tuổi trở lên.
Ứng cử viên tổng thống Benoît Hamon. Ảnh: AFP |
Đà vươn lên của ông B. Hamon và tiến tới thắng lợi cuối cùng trước cựu Thủ tướng M. Valls chỉ bắt đầu từ lúc diễn ra các cuộc tranh luận trực tiếp giữa 7 ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của cánh tả do đảng Xã hội cầm quyền tổ chức. Như vậy, ông B. Hamon đã chính thức có mặt trong danh sách những ứng cử viên có khả năng giành được tỷ lệ phiếu bầu cao vào tháng 4.
Dù đã chính thức trở thành ứng cử viên của cánh tả và đảng Xã hội, ông Hamon sẽ gặp nhiều thách thức. Trước tiên là kết quả thăm dò dư luận cho thấy ông không có cơ hội lọt vào vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Dù có các đề xuất cải cách mạnh mẽ như cấp khoản tiền cố định hằng tháng và giảm giờ làm xuống còn 32 giờ/tuần, nhiều cử tri chưa thấy đây là ứng cử viên có khả năng mang lại sự thay đổi thực sự cho nước Pháp. Bên cạnh đó, ông Hamon sẽ phải cạnh tranh với ứng cử viên Jean-Luc Melenchon của đảng Mặt trận cánh tả, người tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp như năm 2012 cũng như nhiều cử tri khác của cánh tả vốn không ưa đảng Xã hội cầm quyền.
Theo kết quả thăm dò mới nhất về kết quả dự báo cho vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống, ứng cử viên Emmanuel Macron đang bám sát ứng cử viên François Fillon của cánh hữu với tỷ lệ 21-22%, còn ứng cử viên Marine Le Pen của đảng cựu hữu Mặt trận dân tộc đứng đầu với 25%.
Do ông M. Valls, người đã đưa ra nhiều chính sách có lợi cho giới chủ cũng như quan điểm cứng rắn về đạo Hồi và muốn đổi mới đảng Xã hội, đã bị loại khỏi cuộc đua vào điện Elysee, ông Macron rất có thể sẽ thu hút thêm được sự ủng hộ từ cử tri thuộc trung tả và trung hữu. Ngoài ra một số thành viên chủ chốt của đảng Xã hội đã lên tiếng về khả năng ủng hộ ông Macron, xuất phát từ sự chia rẽ và bất đồng trong nội bộ đảng.
Trong một diễn biến khác, chiều 29-1, ứng cử viên F. Fillon, tổ chức cuộc vận động tranh cử ở Paris, bốn ngày sau khi báo chí Pháp đưa tin về vụ tai tiếng liên quan đến vợ ông, bà Penelope Fillon, người bị tình nghi không làm việc mà vẫn nhận lương 500 nghìn euro/năm. Sau khi vụ việc được tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé tiết lộ, báo chí Pháp đồng loại gọi đây là vụ "Penelope gate." Viện công tố Pháp lập tức tiến hành điều tra về công việc "trợ lý" của bà Penelope cho chồng, một nghị sĩ trong thời gian từ 1998 cho đến 2012.
Đây được coi là một cơn "địa chấn chính trị" nổ ra vào thời điểm rất nhạy cảm khi chỉ còn 100 ngày đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Tình hình ngày càng phức tạp đối với ông Fillon khi trang mạng Mediapart và tờ Chủ nhật tiếp tục đưa tin nói rằng ông đã "bỏ túi" khoảng 25 nghìn euro đáng lẽ phải trả cho các trợ lý lúc còn là một thượng nghị sĩ từ năm 2005 đến 2007. Vì vậy theo kết quả thăm dò do hãng Odoxa công bố ngày 28-1, uy tín của ông Fillon chỉ còn 38%, giảm 4 điểm chỉ trong hai ngày qua vì nhiều người cho biết họ mất niềm tin vào ông François Fillon.
Phát biểu tại cuộc mít-tinh ngày 29-1, ông Fillon tiếp tục khẳng định như trong các cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, cho rằng đây là âm mưu nhằm loại ông khỏi cuộc đua vào điện Elysée. Ông bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố sẽ bỏ cuộc nếu bị điều tra.
Theo nhandan.com.vn