Kết thúc phiên tranh luận lần hai, cựu Thủ tướng Van tiếp tục là người có tỷ lệ được khán giả bình chọn cao nhờ lập luận thuyết phục và phong cách tự tin.
Trong khuôn khổ vòng bầu cử sơ bộ của cánh tả hướng đến cuộc đua vào điện Ê-ly-dê vào tháng 5 sắp tới, tại phiên tranh luận lần thứ hai diễn ra vào tối 15-1, cựu Thủ tướng Ma-nuy-en Van, với thế mạnh là kinh nghiệm trên chính trường đã thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán và tự tin, tạo sự bứt phá so các ứng cử viên còn lại.
Theo các cuộc thăm dò được truyền thông Pháp tiến hành sau cuộc tranh luận, ông Van cùng hai đối thủ là cựu Bộ trưởng Kinh tế Ác-nô Mông-tê-buốc, cựu Bộ trưởng Giáo dục Bê-noa Ha-mông đã hợp thành nhóm dẫn đầu trong số 7 ứng cử viên với tỷ lệ khán giả truyền hình ủng hộ cao, dao động từ 25-30% tùy theo đối tượng khán giả là cử tri cánh tả hay khán giả nói chung.
Theo phóng viên
TTXVN tại Pháp, phiên tranh luận lần thứ hai diễn ra quyết liệt giữa các ứng cử viên với các chủ đề nổi bật như cách tiếp cận của nước Pháp trong một thế giới mới khi Tổng thống đắc cử Đô-nan Trăm lên nắm quyền tại Mỹ, mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, châu Âu và cuộc khủng hoảng người nhập cư, vấn đề thực thi quyền lực nhà nước, mô hình nhà nước thế tục, việc hợp thức hóa việc sử dụng cần sa, phát triển năng lượng tái tạo…
|
Cựu Thủ tướng Pháp Ma-nuy-en Van (giữa) và các ứng cử viên tại cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ở Pa-ri ngày 12-1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Liên quan đến các vấn đề quốc tế, quan điểm của 7 ứng cử viên không có nhiều khác biệt. Tất cả đều nhấn mạnh việc thế giới sẽ bước vào giai đoạn không chắc chắn và không ổn định dưới thời Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, chính vì vậy, Pháp và châu Âu cần phải tăng cường sức mạnh kinh tế và tiềm lực quốc phòng để thể hiện sự độc lập về chính sách, không bị phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, trong đó cặp đôi Pháp - Đức tiếp tục là trụ cột của Liên minh châu Âu (EU).
Về cuộc khủng hoảng người di cư, cựu Thủ tướng Van nhấn mạnh nước Pháp đã nỗ lực rất lớn trong việc đón tiếp người di cư, đúng với truyền thống nhân đạo, bác ái của quốc gia này, song cần triển khai một chính sách tiếp nhận chặt chẽ với việc tăng cường bảo vệ biên giới, tạm dừng mở rộng EU, nếu không con tàu EU có nguy cơ “trật bánh”. Trong khi đó, hai đối thủ Mông-tê-buốc và Ha-mông lại cho rằng nước Pháp đã có thể làm tốt hơn trước thảm họa nhân đạo này với các kế hoạch chu đáo, tinh thần tự nguyện chứ không phải “sự sợ hãi” và “hận thù” bởi vì, “không thể giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư bằng tàu chiến trên Địa Trung Hải và hàng rào dây thép gai giữa các quốc gia EU”.
Về vấn đề thực thi quyền lực nhà nước, cựu Thủ tướng Van khẳng định rằng ông tự hào vì được là người đứng đầu Chính phủ, rằng ông chịu trách nhiệm về những thành công và thất bại trong thời gian điều hành. Ông cũng cho rằng trong nhiều lĩnh vực, nước Pháp có thể đi xa hơn. Song, ông hoàn toàn tin tưởng vào tương lai nếu cánh tả biết đoàn kết, hợp thành sức mạnh để tiếp tục lãnh đạo nước Pháp. Về vấn đề này, hai đối thủ của ông cho rằng nước Pháp chưa có nền dân chủ thực sự và vẫn còn tồn tại của “một bức tường vô hình của những người nắm quyền lãnh đạo khiến mọi chính sách trở nên vô nghĩa”.
Về vấn đề nhà nước thế tục, các ứng cử viên nhất trí rằng chủ nghĩa thế tục là một nguyên tắc bất di bất dịch, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, rằng Hồi giáo không phải là tôn giáo không tương thích với các giá trị của nền cộng hòa. Tuy nhiên, cần ngăn chặn việc hình thành các quan điểm cực đoan trong một bộ phận lớp trẻ thông qua việc tăng cường giáo dục đạo đức và ý thức công dân trong các trường học.
Kết thúc phiên tranh luận lần hai, cựu Thủ tướng Van tiếp tục là người có tỷ lệ được khán giả bình chọn cao nhờ lập luận thuyết phục và phong cách tự tin. Ông cũng đã thành công trong việc bảo vệ những thành tích đạt được trong thời gian điều hành Chính phủ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng.
Các cuộc tranh luận cũng cho thấy mặc dù có nhiều khác biệt, nhưng mâu thuẫn giữa các ứng cử viên cánh tả không phải là quá gay gắt như những gì truyền thông Pháp đưa tin thời gian qua. Chính vì vậy, các cuộc tranh luận trong vòng bầu cử sơ bộ là cần thiết và hữu ích. Cánh tả Pháp vẫn còn cơ hội hòa giải và tập hợp lực lượng nhằm đối phó với ứng cử viên cánh hữu Phrăng-xoa Phi-lông, người chủ trương các cải cách triệt để và ứng cử viên đảng Mặt trận Quốc gia (FN), bà Ma-ri-nơ Lơ Păng người có tư tưởng bài ngoại và chống châu Âu./.
Theo TTXVN