Trung Quốc vung tiền "len lỏi" khắp thế giới

09:12, 20/12/2016
Từ đầu năm tới nay, chính quyền và các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD để đầu tư và mua các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. 
 
CNN dẫn kết quả nghiên cứu của hãng Dealogic cho biết tính ra chỉ mới trong 5 tháng đầu năm 2016, các Cty Trung Quốc đã chi tổng cộng 108,5 tỷ USD, vượt con số 106 tỷ USD mà các “đại gia” Trung Quốc đổ ra nước ngoài trong cả năm 2015. Mặc dù các hợp đồng đã được công bố này vẫn còn đợi sự chấp thuận của chính phủ các nước, nhưng chúng rất lớn về tầm mức.
 
Những dự án “khổng lồ” ở châu Á…
 
Các dự án “cơ sở hạ tầng” khổng lồ, xuyên biên giới, băng qua các châu lục, nối kết các nền kinh tế, văn hóa, tiểu vùng địa lý với nhau đang là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh dưới thời thế hệ lãnh đạo thứ 5.
 
Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc đã công bố và triển khai một số dự án hành lang kinh tế, trong đó bao gồm Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pa-kít-xtan (CPEC), Hành lang kinh tế Trung Quốc - Mông Cổ - Nga, Cầu nối Á - Âu, Hành lang kinh tế Băng-la-đét - Trung Quốc - Ấn Độ - Mi-an-ma (BCIM). Trung Quốc mô tả dự án CPEC ở Pa-kít-xtan như một cấu trúc hợp tác “1+4” với các thành phần gồm cảng Goa-đa, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và hợp tác công nghiệp. Cảng Goa-đa gần đây đã bắt đầu đưa vào hoạt động và bây giờ Trung Quốc đang cố gắng để có được những chuyển động từ dự án Hành lang kinh tế BCIM. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã cấp tín dụng ưu đãi 24 tỷ USD cho Băng-la-đét. Trung Quốc đang tham gia vào các hoạt động kinh tế tương tự ở Xri-lan-ca, Nê-pan và Man-đi-vơ.
 
Hồi tháng 10, nhân chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc, Tổng thống Phi-líp-pin Rô-đri-gô Đu-téc-tê đã mang về số thỏa thuận vay vốn và đầu tư trị giá tổng cộng 24 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Phi-líp-pin 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ Ngân hàng Bank of China. Các thỏa thuận kinh tế, bao gồm các thỏa thuận đầu tư, được ký kết trong chuyến thăm này có tổng trị giá 15 tỷ USD. Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Phi-líp-pin Ra-môn Lô-pét cho biết thỏa thuận sơ bộ trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD đã được ký kết giữa các Cty hai nước. Trong số này có một dự án đường sắt 2,5 tỷ USD và một dự án cảng biển 780 triệu USD. Dự án cảng biển dự kiến sẽ được triển khai ở Đa-vao, thành phố quê hương của ông Đu-téc-tê.
 
Trước đó, hồi giữa tháng 8, Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón Cố vấn cấp cao Mi-an-ma, bà A-ung San Su Chô trong một nỗ lực nóng lòng níu chân Mi-an-ma trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á, nhất là ở đất nước mới mở cửa, cơ hội “có một không hai” và đang trở thành một thiên đường đầu tư mới này. Theo kế hoạch, Trung Quốc muốn đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường bộ, xe lửa cùng với các đường ống dẫn dầu khí đốt (xuyên qua Mi-an-ma thông ra vịnh Ben-gan) nhằm thúc đẩy thương mại của Trung Quốc từ Trung Đông mà không phải đi qua Biển Đông. Nhiều khả năng dự án xây đập thủy điện Mít-sôn đang bị bế tắc và dự án cảng nước sâu quan trọng trị giá nhiều tỷ USD cũng sẽ được khơi thông trong thời gian tới. Thời kỳ dòng vốn FDI cả chục tỷ USD từ Trung Quốc đổ vào Mi-an-ma như hồi 2011 có thể sớm lặp lại. Bờ biển Mi-an-ma có thể trở thành “bờ biển phía Tây” giúp hàng hóa Trung Quốc nhanh chóng thông ra Ấn Độ Dương, rút ngắn quãng đường vận chuyển dầu khí từ Trung Đông.
Trung Quốc đã mua quyền sử dụng cảng Piraeus- cảng lớn nhất Hy Lạp.
Trung Quốc đã mua quyền sử dụng cảng Pi-ra-ốt - cảng lớn nhất Hy Lạp.
Ảnh: Internet
… đến châu Âu và Mỹ
 
Việc rót tiền ngày càng nhiều vào những cơ sở hạ tầng đang được các Cty đến từ Trung Quốc tận dụng để mở rộng sự hiện diện của họ tại châu Âu và Mỹ. Cty Trung Quốc đang thâu tóm một loạt khách sạn hạng sang ở Mỹ. Sau một năm mua lại các khu nghỉ dưỡng và khách sạn chiến lược, Tập đoàn Blackstone Group hiện đã đồng ý bán chúng đi với giá 6,5 tỷ USD. Đối tác mua các bất động sản xa hoa này chính là Tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc, “đại gia” đã thâu tóm khách sạn Waldorf Astoria với thương vụ trị giá 1,95 tỷ USD hồi năm 2014. Với đà tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự suy yếu của đồng nhân dân tệ, các tập đoàn lớn của Trung Quốc được cho là đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài để tối đa hóa lợi nhuận.
 
Sau khi chi gần 370 triệu ơ-rô (khoảng 391 triệu USD) để mua quyền sử dụng cảng Pi-ra-ốt lớn nhất Hy Lạp, bước chân “thôn tính” cảng biển trên toàn thế giới của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa dừng lại, tiếp tục vươn tới An-giê-ri, Ốt-xtrây-li-a, Pa-kít-xtan… Bắc Kinh muốn kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng của thế giới để đảm bảo hàng hóa của họ có thể nhanh chóng vận chuyển tới tay người tiêu dùng phương Tây. 
 
Cảng Pi-ra-ốt nằm cách Thủ đô A-ten của Hy Lạp không xa. Bắc Kinh muốn xây dựng nơi đây thành một trung tâm trung chuyển quốc tế cỡ lớn để đưa hàng hóa từ châu Á sang châu Âu. Trong bố trí chiến lược, cảng Pi-ra-ốt sẽ kết nối với cảng Chê-chen ở An-giê-ri mà Trung Quốc cũng muốn thâu tóm quyền xây dựng, vận hành và kinh doanh để phát triển thành trung tâm vận tải trên biển lớn nhất Địa Trung Hải. Để làm được điểu đó, phía Trung Quốc đã mạnh tay vung tiền, ký với Chính phủ An-giê-ri một hiệp định có tổng trị giá 3,3 tỷ USD và quả thực những khoản đầu tư vào lĩnh vực cảng biển của Bắc Kinh đã gây ấn tượng mạnh.
 
Trong khi đó, tính trong 6 tháng đầu năm, con số đầu tư tại Đức đã lên đến 10 tỷ ơ-rô. Số liệu thống kê sơ bộ này đã khiến nhiều quốc gia châu Âu giật mình và tăng cường kiểm soát. Mới đây Đức đã phải ngăn chặn Quỹ Đầu tư Phúc Kiến của Trung Quốc (Fujian Grand Chip Investment Fund, FGC) mua một cơ sở của Cty Điện tử Aixtron. Tại Pháp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi nhiều tỷ USD cho các lĩnh vực công nghệ robot, khách sạn, trang trại trồng nho sản xuất rượu hay câu lạc bộ bóng đá. Tại Ốt-xtrây-li-a, chính phủ nước này đã ngăn chặn một số thương vụ do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện trong các lĩnh vực chăn nuôi, điện lực. Việc các tập đoàn Trung Quốc đổ vốn vào kinh đô điện ảnh Hô-li-út khiến công luận Mỹ lo ngại. Còn Béc-lin phải “chịu thua” trước tập đoàn Midea của Trung Quốc khi họ mua Kuka, doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực robot (người máy và tự động hóa) với các khách hàng quan trọng như Airbus, Audi hay Mercedes.
 
Theo chuyên gia kinh tế Hồ Tinh Đẩu, thuộc Đại học Công Nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc có ngân quỹ hơn 3.000 tỷ USD phục vụ cho những đầu tư sinh lợi ở nước ngoài, trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng ít cơ hội do nền kinh tế trong nước chững lại. Không còn hài lòng là “công xưởng của thế giới”, Bắc Kinh tìm cách bổ sung những gì còn thiếu: kinh nghiệm - bí quyết và các thương hiệu nổi tiếng mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
 
Việc đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh nằm trong chiến lược quy mô hơn nhằm tăng sự hiện diện trên mọi lĩnh vực với mục tiêu là để cải thiện hình ảnh của cường quốc thứ hai thế giới, hay còn gọi là “quyền lực mềm” mà một khi nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng (các câu lạc bộ bóng đá hay các nhà sản xuất phim ảnh ở Hô-li-út), người ta buộc phải nhắc đến các tập đoàn nước này. Phải nói Trung Quốc “háu ăn” nhưng có chọn lọc, trong tương lai, thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều thương vụ “ấn tượng” khác từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới./.
 
Theo Báo Tin Tức


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com