Tối 1-12, Tổng thống François Hollande tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Như vậy ông F. Hollande là Tổng thống Pháp đầu tiên kể từ năm 1958 tuyên bố không tham gia tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Kể từ khi thắng ông Nicolas Sarkozy năm 2012, ông Holland phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là nền kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, đất nước liên tục bị khủng bố tiến công…
Tuyên bố của ông Hollande rất bất ngờ và chỉ được báo chí Pháp đưa tin vài giờ trước khi ông có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình. Ông nói: “Tôi đã phục vụ đất nước với tất cả sự chân thành và vì lợi ích nước Pháp. Và hôm nay, tôi nhận thức rõ về những rủi ro nếu ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa khi không đủ khả năng gắn kết những người ủng hộ tôi. Chính vì thế tôi quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Trong những tháng sắp tới, nhiệm vụ chính của tôi là tiếp tục lãnh đạo đất nước".
Tổng thống Pháp F. Hollande không ra tái tranh cử. |
Đề cập vai trò lãnh đạo trong gần năm năm qua, Tổng thống F. Hollande nói rằng tất cả những gì ông đã làm là nhằm phục vụ đất nước, đưa Pháp trở thành một trong những nước tiên phong chống biến đổi khí hậu, giải quyết nợ an sinh xã hội, nâng cao sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử và tăng cường nền dân chủ của Pháp.
Tổng thống Holland cho rằng, các biện pháp đưa ra để giảm tỷ lệ thất nghiệp thông qua việc giảm thuế cho doanh nghiệp, ít khi được áp dụng trong chính quyền của cánh tả, đã có những rủi ro. Dù có những kết quả khả quan nhất định trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức rất cao. Bên cạnh đó, ông cũng thừa nhận có một số sai lầm như quyết định thông qua dự án luật gây nhiều tranh cãi ngay cả trong nội bộ chính phủ cầm quyền, đưa vào Hiến pháp điều khoản về việc tước quốc tịch những công dân Pháp bị kết tội khủng bố. Cũng vì bất đồng với chính phủ và Tổng thống Hollande, Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira đã nộp đơn xin từ chức, khiến cho chính trường Pháp và đặc biệt là nội bộ cánh tả càng thêm chia rẽ.
Kể từ tháng cuối năm 2013, ông được coi là Tổng thống đương nhiệm “không được lòng dân nhất” của nền Đệ ngũ Cộng hòa. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ của cánh tả vào tháng 1-2017, kết quả thăm dò dư luận cho thấy uy tín cũng như khả năng lọt vào vòng hai của ông Hollande thấp hơn hẳn những ứng cử viên khác.
Bốn ngày sau khi cánh hữu và trung hữu bầu cựu Thủ tướng François Fillon là ứng cử viên chính thức ra tranh cử tổng thống năm 2017, sự chia rẽ của cánh tả càng thể hiện rõ hơn. Một số đảng đã bầu ứng cử viên độc lập, thay vì tham gia liên minh với đảng Xã hội như lần trước. Ngày 1-12, chiến dịch bầu cử sơ bộ của cánh tả chính thức được khởi động. Chính vì vậy, Tổng thống Hollande phải đưa ra quyết định chính thức sớm hơn thay vì đến giữa tháng như dự đoán trước đó.
Ngay sau khi Tổng thống Hollande tuyên bố không tái tranh cử, Thủ tướng Manuel Valls cùng một số nhà chính trị của cánh tả có cùng quan điểm. Họ cho rằng đây là một quyết định “khó khăn, nghiêm túc, dám nhận trách nhiệm” của Tổng thống Pháp. Như vậy, tuyên bố của Tổng thống Hollande đã mở đường cho Thủ tướng Manuel Valls tham gia bầu cử sơ bộ của cánh tả.
Còn ứng cử viên François Fillon và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cho rằng đây là quyết định “sáng suốt” vì ông Hollande “không thể đi xa hơn”. Một số nhân vật khác của cả hai phe chính trị tại Pháp đánh giá cao tuyên bố của Tổng thống khi quyết định vì lợi ích chung, thấy rõ nhiệm vụ “bất khả thi” nếu ra tranh cử với đại diện của cánh hữu hay một số ứng cử viên khác có tỷ lệ ủng hộ cao hơn.
Diễn biến mới này được báo chí Pháp theo dõi sát sao và đã chuẩn bị hàng loạt bài phân tích cho số in ra ngày 2-12, tập trung vào nhiệm kỳ cầm quyền của ông Hollande, về việc chuẩn bị lực lượng của cánh tả để tranh cử với cánh hữu.
Theo nhandan.com.vn