Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 27-12 (sáng 28-12, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê có cuộc gặp mang ý nghĩa biểu tượng với Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tại Ha-oai, Mỹ, nơi xảy ra vụ tiến công Trân Châu Cảng hồi năm 1941 trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau gửi đi thông điệp về sức mạnh của sự hòa giải và cảnh báo nguy cơ xung đột. Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Thủ tướng S.A-bê bày tỏ "lời chia buồn chân thành và sâu sắc" trước những đau thương trong quá khứ. Ông nhấn mạnh: "không bao giờ được phép lặp lại cảnh tượng kinh hoàng của chiến tranh", khẳng định chính sức mạnh hòa giải đã gắn kết các quốc gia, thông qua tinh thần cảm thông lẫn nhau.
Ông A-bê đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Thái Bình Dương tại Hô-nô-lu-lu, ngày 26-12. Ảnh: Reuters |
Đáp lại, Tổng thống B.Ô-ba-ma hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản với tinh thần hữu nghị. Người đứng đầu Nhà trắng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ cùng nhau truyền ra thế giới thông điệp ủng hộ hòa bình và hàn gắn chiến tranh, cũng như lên án tư tưởng trả đũa. Ông kêu gọi mọi người chống lại tư tưởng phân biệt và kỳ thị.
* Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Ha-oai, ngày 26-12, Thủ tướng A-bê đã tới đặt hoa tại Nghĩa trang quốc gia Thái Bình Dương, nơi tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tiến công cách đây 75 năm; tới Nghĩa trang Ma-ki-ki để tưởng niệm những công dân Nhật Bản thiệt mạng tại Ha-oai trong chiến tranh và cả trong thời bình. Ông cũng tới đài tưởng niệm chín thủy thủ và sinh viên Nhật Bản thiệt mạng trong vụ va chạm giữa tàu đánh cá của Nhật Bản và một tàu ngầm của Mỹ hồi năm 2001.
* Ha-oai là nơi cách đây 75 năm phát-xít Nhật tiến hành cuộc tiến công bất ngờ nhằm vào hải quân Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, còn gọi là trận Trân Châu Cảng. Trong trận chiến này, có tổng cộng 2.403 quân nhân Mỹ thiệt mạng, 1.100 người bị thương và tám chiến hạm của Mỹ bị phá hủy. Sau đó, Mỹ đã tham gia quân đội đồng minh. Các quan chức Nhật Bản cho biết, mục đích chuyến thăm Ha-oai của Thủ tướng A-bê không nhằm để xin lỗi mà thay vào đó là bày tỏ lòng kính trọng đối với các nạn nhân. Điều này cũng tương tự chuyến thăm của ông Ô-ba-ma đến Nhật Bản hồi tháng 5-2016. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng không đưa ra lời xin lỗi về việc Oa-sinh-tơn ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki vào năm 1945, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn dân thường.
Theo nhandan.com.vn