Dựa vào mối quan hệ căng thẳng giữa An-ca-ra và Mát-xcơ-va trong suốt 1 năm qua, những thế kỷ đối đầu và thù địch trong lịch sử và những bất đồng trong chính sách ngoại giao về cuộc xung đột ở Xi-ri, có một số kịch bản leo thang tiềm tàng cần lưu ý sau vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 19-12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông An-đrây Các-lốp đã bị ám sát trong vụ tấn công bằng súng ở Thủ đô An-ca-ra. Đại sứ Các-lốp đã bị bắn từ phía sau khi đang phát biểu tại lễ khai mạc một cuộc triển lãm ảnh ở Thủ đô An-ca-ra, Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhân chứng cho biết kẻ tấn công Đại sứ An-đrây Các-lốp đã hô các từ “A-lép-pô” và “Báo thù” trước khi nổ súng.
Theo các chuyên gia phân tích Rốp-bi Gra-mơ và Ê-mi-li Tam-kin bình luận trên tờ
Chính sách Đối ngoại Mỹ, hiện vẫn chưa rõ Nga có thể sẽ đáp trả thế nào, nhưng dựa vào mối quan hệ căng thẳng giữa An-ca-ra và Mát-xcơ-va trong suốt 1 năm qua, những thế kỷ đối đầu và thù địch trong lịch sử và những bất đồng trong chính sách ngoại giao về cuộc xung đột ở Xi-ri, có một số kịch bản leo thang tiềm tàng cần lưu ý.
Các tin tặc Nga sẽ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ
Hai ông Rốp-bi Gra-mơ và Ê-mi-li Tam-kin cho rằng Nga có xu hướng gây ra những vấn đề chính trị nội bộ ở những nước khác thông qua những cuộc tấn công mạng (chẳng hạn như ở Mỹ). Nhiều hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế cho rằng các tin tặc Nga thường xuyên trợ giúp tổ chức Wikileaks thu thập và rò rỉ nhiều thông tin nội bộ nhạy cảm của chính phủ các nước. Ngày 7-12 vừa qua, Wikileaks đã công bố hơn 57 nghìn email cá nhân của Bộ trưởng Năng lượng và tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ - Bê-rát An-bay-rắc, đồng thời cũng là con rể của Tổng thống Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan.
Với những dấu hiệu về sự hợp tác giữa Nga và Wikileaks nhằm công khai những thư điện tử bị “hack” trong quá khứ, những tin tặc Nga có thể nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, tiết lộ thêm những bí mật không tốt về những nhân vật thân cận của Tổng thống Éc-đô-gan.
|
Tổng thống Nga Pu-chin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Éc-đô-gan. Ảnh: D.W |
Tăng áp lực kinh tế mới đối với An-ca-ra
Điều này đã từng xảy ra sau vụ chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga trên biên giới với Xi-ri hồi tháng 11-2015. Đáp trả vụ việc này, Mát-xcơ-va đã cấm vận nhiều hàng hóa của An-ca-ra, khiến xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga giảm 737 triệu USD.
Bên cạnh đó, dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là phần trong hợp tác “đối tác chiến lược” của hai nước, đã bị đình trệ. Tình hình kinh tế này đã không được cải thiện cho đến khi ông Éc-đô-gan đưa ra lời xin lỗi vào tháng 6-2016.
Nga sẽ “chơi quân bài” người Cuốc
Nga có thể sẽ sử dụng mối quan hệ mang tính lịch sử của mình với lực lượng người Cuốc bất mãn ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó có khả năng hỗ trợ cho những phiến quân người Cuốc, khuyến khích lực lượng này chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 17-12, một vụ đánh bom tại trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ khiến 13 binh sĩ thiệt mạng và 55 người bị thương. Ngày 11-12, hai quả bom khác phát nổ tại Ít-xtan-bun khiến 39 người thiệt mạng và 154 người bị thương. Một nhóm người Cuốc đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công ở Ít-xtan-bun.
Khiến lệnh ngừng bắn ở A-lép-pô đổ vỡ
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều bất đồng liên quan đến cuộc xung đột Xi-ri, nhưng cả hai đã bảo trợ cho một lệnh ngừng bắn mới nhất vốn cho phép phiến quân và dân thường rời khỏi A-lép-pô.
Vụ ám sát Đại sứ Nga tại An-ca-ra có thể khiến lệnh ngừng bắn trên sụp đổ một lần nữa, hoặc dẫn đến một cuộc giao tranh mới ở những khu vực khác tại Xi-ri. Các lực lượng Nga đang hoạt động ở Đông Bắc Xi-ri, không xa nơi những binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia chiến dịch tấn công xuyên biên giới nhằm vào những thị trấn do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát.
Tuy nhiên, kể từ khi vụ ám sát xảy ra, cả An-ca-ra và Mát-xcơ-va đều đã đồng loạt lên án đây là một “hành động khủng bố” và nhằm làm suy yếu mối quan hệ hai nước. Những động thái này phần nào xóa đi các lo ngại quan hệ các nước tăng căng thẳng sau bi kịch. Nhiều chuyên gia phân tích ngoại giao cũng cho rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ không dễ gì phá vỡ những thỏa thuận hai nước đạt được trong vấn đề Xi-ri. Chuyên gia nghiên cứu A-rôn Stên tại trung tâm Hội đồng Đại Tây Dương bình luận: “Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có đủ động lực để kiềm chế cuộc khủng hoảng lần này”, đồng thời khẳng định vụ ám sát sẽ khiến Nga có nhiều lợi thế hơn nữa trong mối quan hệ giữa An-ca-ra và Mát-xcơ-va./.
Theo Báo Tin Tức