Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor ngày 20-12 nhận định rằng tranh cãi ngoại giao sau sự kiện Trung Quốc thu giữ và sau đó trao trả tàu lặn không người lái (UUV) cho Mỹ có thể liên quan đến chiến lược hạt nhân của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bài viết phân tích rằng sự kiện xảy ra hôm 15-12 gần Rãnh Ma-ni-la (Đới hút chìm Ma-ni-la) ở Biển Đông cũng có thể cho thấy Bắc Kinh lo lắng về tiến độ và quy mô của các hoạt động và năng lực chống tàu ngầm của Mỹ.
Mặc dù tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Mỹ đã không chính thức thực hiện sứ mệnh đối phó với hoạt động hàng hải của Trung Quốc tại thời điểm xảy ra sự việc, nhưng dữ liệu mà tàu này thu thập được sử dụng để hỗ trợ những nỗ lực của Mỹ chống tàu ngầm.
Các thông tin cho thấy các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc có thể đã bắt đầu hoạt động tuần tra ở Biển Đông trong năm 2016 này. Do đó, bất kỳ hoạt động nào của Oa-sinh-tơn nhằm phát hiện hoặc giám sát các tàu ngầm của Bắc Kinh sẽ gây ra một mối đe dọa chiến lược tiềm tàng đối với toàn bộ chiến lược hạt nhân rộng lớn của Trung Quốc.
|
Tàu lặn không người lái của Mỹ. Ảnh: Internet |
Vai trò của các tàu ngầm tên lửa hạt nhân trong kho vũ khí của Trung Quốc là để đảm bảo Bắc Kinh sở hữu khả năng tấn công bằng hạt nhân, do đó, ngăn chặn được một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc do Mỹ hoặc các đối thủ có vũ khí hạt nhân khác thực hiện. Đó cũng là lý do vì sao Trung Quốc đã hết sức quan ngại trước khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, bài viết cũng nhận định tác động của vụ việc đối với mối quan hệ giữa Oa-sinh-tơn - Bắc Kinh - Ma-ni-la. Do vụ việc xảy ra khi tàu USNS Bowditch, đang trong quá trình thu hồi UVV, ở vị trí cách Vịnh Su-bích 50 hải lý, tức là thuộc phạm vi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi-líp-pin, nên Ma-ni-la bị đưa vào tình thế khó xử. Mặc dù vậy, Ma-ni-la đã khiển trách Oa-sinh-tơn, cho rằng Mỹ cần cân nhắc vấn đề an ninh và những lợi ích của các nước khác khi thực hiện những hoạt động như vậy.
Đối với Trung Quốc, Ma-ni-la chỉ trích Bắc Kinh vì đã thu giữ thiết bị này, một động thái làm gia tăng căng thẳng. Sự việc này dường như đã không làm thay đổi lập trường của Tổng thống Rô-đri-gô Đu-téc-tê khi ông Đu-téc-tê gần đây đã hóa giải căng thẳng với Bắc Kinh, hợp tác đầu tư với Trung Quốc và cùng khai thác các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Bài viết nhận định rằng sự việc này cũng không cản trở Tổng thống Đu-téc-tê kêu gọi đánh giá lại các hiệp ước quốc phòng với Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Đô-nan Trăm nhậm chức. Mặc dù vậy, sự việc này đã làm phân cực các phe phái an ninh và chính trị vốn đang cạnh tranh nhau của chính phủ Ma-ni-la. Các phái này hiện bất đồng về cách thức thích hợp nhằm cân bằng mối quan hệ của Phi-líp-pin với Mỹ và Trung Quốc./.
Theo TTXVN