Liệu I-ta-li-a có tạo nên "cú sốc" mới với châu Âu?

08:12, 02/12/2016
Cử tri I-ta-li-a sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp vào ngày 4-12. Liên minh châu Âu (EU) sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc bỏ phiếu này vì có thể I-ta-li-a - một thành viên kế tiếp của EU - sẽ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị nếu Thủ tướng Mát-tê-ô Ren-di thất bại.
 
Năm nay có thể coi là một năm khủng hoảng đối với châu Âu. Cuộc bỏ phiếu Anh rời khỏi EU (gọi tắt là Brexit) đã giáng một đòn nặng đối với khối này. Việc ông Đô-nan Trăm đắc cử Tổng thống Mỹ đang tạo nên một số thuận lợi cho phe cánh hữu và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở châu Âu. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng người nhập cư cũng gây nên những bất đồng sâu sắc và chia rẽ ở khắp châu lục này. Giờ đây, cuộc trưng cầu ý dân sắp diễn ra ở I-ta-li-a, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang có nguy cơ tạo ra một cú sốc khác cho EU.
 
Thủ tướng Ren-di đã đặt cược tương lai chính trị của mình vào cuộc trưng cầu ý dân, với việc ngay từ đầu cam kết sẽ từ chức nếu người dân bỏ phiếu phản đối. Điều này đang được phe chống cải cách lợi dụng để ép buộc ông từ chức nếu ông thất bại. Hồi đầu năm nay, nhiều ý kiến cho rằng Thủ tướng Ren-di sẽ thành công vì tại thời điểm đó, ông Ren-di vẫn được coi là nhà cải cách đầy quyền lực. Nhưng tỷ lệ ủng hộ đối với ông đã bị sụt giảm và vị thế của ông giờ đây dường như khá bấp bênh. Ngay nội bộ đảng Dân chủ (PD) của ông cũng đang bị chia rẽ sâu sắc khi cuộc bỏ phiếu sắp diễn ra.
 
Trên khắp châu Âu đang xuất hiện mối lo ngại về các hậu quả nếu cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 4-12 tại I-ta-li-a thất bại, đặc biệt là khả năng I-ta-li-a sẽ phải thành lập một chính phủ khẩn cấp và tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn. Thủ tướng Ren-di đã loại bỏ khả năng tiếp tục lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp dưới dạng kỹ trị nếu ông bị thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân và có thể Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính I-ta-li-a Pi-e Các-lô Pa-đô-an sẽ là một ứng cử viên tiềm năng.
 
Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa đưa ra những dự báo khả quan về kinh tế I-ta-li-a trong năm 2017, nhưng nhiều ý kiến cho rằng 8 ngân hàng của nước này có thể bị sụp đổ trong những tháng tới nếu đề xuất cải cách Hiến pháp của Thủ tướng Ren-di không được ủng hộ. Theo một số quan chức chính phủ và chủ ngân hàng lớn ở I-ta-li-a, nếu phe phản đối cải cách thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân, thị trường có khả năng sẽ hỗn loạn và hậu quả là các ngân hàng I-ta-li-a, trong đó có ngân hàng lâu đời nhất thế giới Monte dei Paschi di Siena, có thể sẽ bị lâm nguy.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong cuộc họp báo ở Rome ngày 28/11. Ảnh:AFP/TTXVN
Thủ tướng I-ta-li-a  Mát-tê-ô Ren-di trong cuộc họp báo ở Rô-ma ngày 28-11. Ảnh:AFP/TTXVN
Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng I-ta-li-a hiện ở mức 360 tỷ ơ-rô và bất cứ kết quả trưng cầu ý dân nào gây bất ổn cho nền chính trị I-ta-li-a cũng đều sẽ dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên thị trường tài chính vốn đã bất ổn của nước này. Về lâu dài, kịch bản xấu nhất mà các nhà phân tích lo ngại là sự sụp đổ của đồng ơ-rô. Theo kết quả cuộc khảo sát do Cty Sentix tại Phran-phuốc tiến hành với 1.000 nhà đầu tư từ ngày 24 đến 26-11, khả năng I-ta-li-a rời khỏi Eurozone là 19,3%, mức cao nhất so với kết quả các cuộc thăm dò được tiến hành trong thời gian khủng hoảng nợ công ở Eurozone vào năm 2012.
 
Trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp sắp tới, cử tri I-ta-li-a đơn giản sẽ chỉ bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối việc cắt giảm quyền lực của Thượng viện, giảm bớt số lượng Thượng nghị sĩ và tăng thêm quyền lực cho chính quyền Trung ương. Nhưng trên thực tế, có 5 vấn đề mà cử tri nước này sẽ phải quyết định khi tham gia bỏ phiếu.
 
Thứ nhất là quyền lực của Thượng viện. Theo đề xuất cải cách hiến pháp của Chính phủ Ren-di, số Thượng nghị sĩ sẽ được cắt giảm từ 315 xuống còn 100, bao gồm 74 thành viên hội đồng lập pháp vùng, 21 thị trưởng và 5 thượng nghị sĩ còn lại do Tổng thống bổ nhiệm. Ngoài ra, Thượng viện sẽ chỉ chịu trách nhiệm về sửa đổi hiến pháp và các luật vốn tác động đến 20 vùng của I-ta-li-a. Tuy nhiên, việc các đại diện ở Thượng viện nên được bầu trực tiếp hay được lựa chọn bởi các cơ quan lập pháp ở địa phương vẫn gây tranh cãi.
 
Thứ hai là vấn đề quyền lực của chính quyền Trung ương. Người dân I-ta-li-a phải quyết định xem liệu có nên giảm bớt quyền lực của các chính quyền địa phương để tăng thêm quyền lực của chính quyền Trung ương hay không. Năm 2001, cử tri I-ta-li-a đã bỏ phiếu chấp thuận việc trao thêm quyền lực cho 20 vùng của I-ta-li-a, nhưng việc này rốt cuộc đã dẫn đến những tranh chấp gay gắt giữa chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương.
 
Thứ ba là Luật Bầu cử, đã được Quốc hội I-ta-li-a thông qua, nhưng không đạt đủ 2/3 số phiếu nên cần phải được đưa ra trưng cầu ý dân. Về mặt gián tiếp, cử tri I-ta-li-a sẽ bỏ phiếu để kích hoạt Luật Bầu cử mới, vốn được thiết kế để làm cho chính phủ ổn định hơn. Theo luật này, đảng nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử với hơn 40% số phiếu thì đảng đó đương nhiên được nhận 55% số ghế. Nếu không có đảng nào giành đủ mức 40%, hai đảng có số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ bước vào vòng hai. Như vậy, các chính phủ được thành lập sau bầu cử sẽ trở nên ổn định do đảng cầm quyền lúc đó nắm được đa số ghế trong Quốc hội nên không cần liên minh với các đảng khác. Tuy nhiên, nếu ông Ren-di giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân này, Tòa án Hiến pháp vẫn phải có ý kiến về Luật Bầu cử và dự kiến tòa án cũng sẽ bác bỏ ít nhất một số phần trong luật này.
 
Thứ tư là vấn đề liên quan đến ông Bép-pi Gri-lô, lãnh đạo Phong trào 5 Sao (M5S), đảng đối lập chính trong Quốc hội và là lực lượng phản đối mạnh mẽ cải cách hiến pháp. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy M5S đang bám sát đảng Dân chủ (PD) trong các cuộc thăm dò dư luận, mặc dù đảng này chưa hề có những kỹ năng quản lý ở cấp Trung ương. Nhân tố Bép-pi Gri-lô hiện đang là một ẩn số. Có ý kiến cho rằng cuộc trưng cầu ý dân lần này trên thực tế là cuộc so găng giữa Thủ tướng Ren-di và ông Gri-lô.
 
Thứ năm là tương lai của Thủ tướng Ren-di. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu ý dân, ông Ren-di đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc bỏ phiếu này. Nếu bị thất bại trong cuộc trưng cầu, ông Ren-di sẽ vẫn tiếp tục lãnh đạo PD, cho dù ông từ chức thủ tướng. Việc từ chức của ông Ren-di không nhất thiết dẫn đến một cuộc bầu cử sớm. Tổng thống Xéc-giô Mát-ta-rê-la sẽ là người có tiếng nói cuối cùng về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu ông Ren-di giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân, nó sẽ giúp củng cố vị thế của ông Ren-di trên chính trường châu Âu.
 
Mặc dù luật I-ta-li-a quy định kết quả các cuộc thăm dò dư luận không được phép công bố trong hai tuần cuối trước khi diễn ra trưng cầu ý dân, nhưng khoảng 40 cuộc thăm dò được công bố trước ngày 18-11 cho thấy phe phản đối cải cách đang dẫn điểm trước phe của Thủ tướng Ren-di tới 11%. Trong khi đó, một nguồn tin trong đảng PD mới đây tiết lộ rằng các cuộc thăm dò dư luận của tư nhân cho thấy khoảng cách này đã thu hẹp xuống còn 5% và số lượng cử tri đang do dự vẫn còn chiếm tới 1/4. Điều đó có nghĩa là hy vọng về khả năng giành thắng lợi của ông Ren-di vẫn chưa bị dập tắt./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com