Chính phủ Nhật Bản đã trao công hàm phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện một tàu khoan thăm dò của Bắc Kinh thả neo và tham gia “một số hoạt động” gần các mỏ khí đốt trên Biển Hoa Đông.
Ngày 1-11, Ngoại trưởng Nhật Bản Phu-mi-ô Ki-si-đa đã đưa ra thông báo trên. Phát biểu với báo giới, ông Ki-si-đa bày tỏ “hết sức lấy làm tiếc rằng Trung Quốc đang tiến hành hoạt động khai thác đơn phương ở khu vực Biển Hoa Đông bất chấp nhiều lần bị chúng tôi phản đối” và trong bối cảnh hải giới giữa hai nước chưa được phân định.
Một công trình khoan dầu khí của Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Ảnh: Asahi |
Nhật Bản đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng chương trình khai thác tài nguyên gần đường trung tuyến do phía Tô-ky-ô đề xuất chia tách các Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Nhật Bản và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.
Ốt-xtrây-li-a và In-đô-nê-xi-a xem xét tuần tra chung ở Biển Đông
Ngoại trưởng Ốt-xtrây-li-a Giu-li Bi-xhốp ngày 1-11 khẳng định nước này đang xem xét thực hiện các cuộc tuần tra chung với In-đô-nê-xi-a ở Biển Đông.
Bà Bi-xhốp cho rằng bất kỳ hoạt động nào như vậy nếu diễn ra sẽ đều nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và phù hợp với quan điểm của Ốt-xtrây-li-a ủng hộ “một khu vực hòa bình, ổn định và an ninh”.
Bà Bi-xhốp nói: “Chúng tôi nhất trí khai thác các lựa chọn nhằm tăng cường hoạt động hàng hải và tất nhiên sẽ bao gồm các các hoạt động phối hợp ở Biển Đông và Biển Su-lu. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách của Ốt-xtrây-li-a về việc được thực hiện quyền tự do hàng hải”.
Ngoại trưởng Ốt-xtrây-li-a cũng cho biết sẽ có sự can dự về hàng hải ở cấp độ sâu rộng hơn với In-đô-nê-xi-a, ngoài những hoạt động thông thường như trao đổi quân nhân hay huấn luyện.
Theo bà Bi-xhốp, Hải quân Hoàng gia Ốt-xtrây-li-a đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các lực lượng hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Biển Đông và đã thông báo cho các nước khác trong khu vực. Bà cho rằng đây là hoạt động thông thường của Hải quân Ốt-xtrây-li-a và cũng là một phần trong sự can dự của Ốt-xtrây-li-a ở khu vực.
Việc Ốt-xtrây-li-a và In-đô-nê-xi-a xem xét tuần tra chung ở Biển Đông được đưa ra ngay trước chuyến thăm Ốt-xtrây-li-a lần đầu tiên dự kiến vào đầu tuần tới của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước./.
Theo baotintuc.vn