Chính sách đối ngoại dưới thời ông Đô-nan Trăm được đưa ra trong các tuyên bố thời gian qua đã gây nỗi hoang mang ở khu vực Trung và Đông Âu về nguy cơ Mỹ tăng cường “chủ nghĩa đơn phương” trong thời gian tới. Nhưng khoảng cách giữa các tuyên bố tranh cử và việc triển khai chính sách trong thực tế ở Mỹ cũng lớn hơn so với bất kỳ nước nào.
Theo Tiến sĩ Mắc-xin Da-bô-rốp-xki, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), chính sách đối ngoại dưới thời ông Đô-nan Trăm được đưa ra trong các tuyên bố của ông này thời gian qua, đã gây nỗi hoang mang ở khu vực Trung và Đông Âu về nguy cơ Mỹ tăng cường “chủ nghĩa đơn phương” trong thời gian tới. Các tuyên bố thân thiện của ông Trăm về Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin cũng nhắc dư luận khu vực về một giai đoạn lịch sử trước đó, khi mà các nước Trung và Đông Âu bị chi phối hoàn toàn bởi các cường quốc trên thế giới. Có vị trí địa lý nằm ở giữa Nga và Đức và là chiến trường của hai cuộc chiến tranh thế giới trước đó, các nước Trung và Đông Âu triển khai chính sách lôi kéo sự tăng cường can dự của Mỹ đối với an ninh châu Âu. Tuy nhiên, dưới thời của Tổng thống Trăm chính sách này sẽ là dấu hỏi lớn.
|
Người dân Séc chào đón đoàn xe quân sự của Mỹ. Ảnh: Roi-tơ |
Mặc dù các định hướng cơ bản về chính sách đối ngoại của Mỹ trong ngắn hạn hiện vẫn chưa rõ ràng nhưng dường như các nguy cơ đối với quan hệ giữa các nước trong khu vực với Mỹ dưới thời ông Đô-nan Trăm đã bị thổi phồng. Xét về thực chất, trong bất cứ cuộc bầu cử nào các tuyên bố tranh cử thường mạnh mẽ và gây tranh cãi hơn so với việc triển khai trong thực tế. Điều này thể hiện rõ hơn hết trong hệ thống bầu cử của Mỹ, khi các ứng cử viên thường đưa ra các quan điểm mạnh mẽ nhằm khẳng định rõ hơn về bản thân đối với cử tri. Tuy nhiên, sau khi bầu cử kết thúc, ứng cử viên chiến thắng sẽ phải đối mặt với hệ thống “kiểm soát và cân bằng” quyền lực ở Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Ghê-oóc ghi W.Bút thường phàn nàn với đồng sự về việc ông này có nhiều quyền lực hơn khi còn làm Thống đốc bang Tếch-dát. Rõ ràng, khoảng cách giữa các tuyên bố tranh cử và việc triển khai chính sách trong thực tế ở Mỹ cũng lớn hơn so với bất kỳ nước nào.
Trong thực tế, thời gian qua ông Đô-nan Trăm đã thể hiện sự “xuống nước” nhất định liên quan đến chính sách Obamacare, vấn đề nhập cư, chủ nghĩa bảo hộ cũng như việc truy tố bà Hi-la-ri Clin-tơn về trách nhiệm trong việc sử dụng email cá nhân khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ. Ông Trăm và đội ngũ cộng sự sẽ có sự đồng thuận nhất định đối với một số điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay. Các chính quyền ở Mỹ thường có sự tiếp nối nhất định chính sách đối ngoại của Chính phủ tiền nhiệm.
Đối với các nước Trung và Đông Âu, nguy cơ về một sự thỏa hiệp lớn giữa Mỹ và Nga là “một ý tưởng tốt nhưng không thể thực hiện”. Ông Đô-nan Trăm không phải là tổng thống đầu tiên của Mỹ mong muốn củng cố quan hệ với Nga. Trong thực tế, chính Tổng thống Ô-ba-ma và cựu Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn đưa ra chính sách “cài đặt lại” quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va. Chính sách này tác động lớn đối với an ninh của các nước khu vực Trung và Đông Âu, trong đó có việc hủy bỏ một phần hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực và hạn chế can dự của NATO vào U-crai-na và Ghê-oóc-gia. Người tiền nhiệm của ông Ô-ba-ma, cựu Tổng thống Bút cũng từng có giai đoạn “cảm nhận được tâm hồn” của ông Pu-chin. Hay cựu Tổng thống Bin Clin-tơn từng mong muốn ký kết một thỏa thuận lịch sử với lãnh đạo Nga về cải thiện quan hệ song phương. Vì vậy, việc chính quyền dưới thời ông Đô-nan Trăm có ý định xác định lại mối quan hệ với Nga không phải là điều gì đó bất thường. Tuy nhiên, cho đến nay nỗ lực của các đời Tổng thống Mỹ vẫn không đem lại được kết quả lâu dài trong việc cải thiện quan hệ với Nga.
Bất chấp những giai đoạn thăng trầm của mối quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va trong các giai đoạn trước đó, các chính quyền Mỹ vẫn, đã và đang tăng cường sự can dự chiến lược ở khu vực Trung và Đông Âu. Cựu Tổng thống Bin Clin-tơn đã thúc đẩy hiệu quả sự mở rộng của NATO trong khi cựu Tổng thống Ghê-oóc-ghi W.Bút chứng kiến giai đoạn mở rộng lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này và theo đuổi chính sách triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực Trung và Đông Âu. Dưới thời Tổng thống Ô-ba-ma, Mỹ lần đầu tiên triển khai quân đội ở Trung và Đông Âu và khả năng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực này sẽ gia tăng dưới thời ông Đô-nan Trăm. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay Nhà Trắng chưa bao giờ ngừng chính sách can dự ở khu vực Trung và Đông Âu. Cho đến nay, có ít dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm sẽ từ bỏ chính sách này./.
Theo TTXVN