Tỷ phú Đô-nan Trăm đắc cử Tổng thống Mỹ là ví dụ mới nhất cho thấy chủ nghĩa dân túy chính trị đang lên ngôi nhờ nỗi sợ bị bỏ rơi của cử tri trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nước Mỹ có Đô-nan Trăm
Với trường hợp của nước Mỹ, ông Trăm dù chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ gì trong chính quyền nhưng đã giành chiến thắng trong bầu cử. Cái sự đầu tiên trong lịch sử đó khiến người ta nghĩ có thể vì chưa bao giờ là chính trị gia nên ông Trăm mới thắng cử.
Ông Trăm đã cam kết “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và phục hồi việc làm cho tầng lớp lao động và trung lưu Mỹ vốn lo lắng về tình trạng nhập cư và chảy máu việc làm.
Hãng tin
ABS-CBN News (Phi-líp-pin) nhận định: Đối với hàng triệu cử tri là người da trắng không có trình độ đại học, những lời khiếm nhã của ông Trăm nhằm vào người gốc La-tinh, người Hồi giáo và phụ nữ chỉ đơn giản là những lời nói thẳng thắn hoặc chuyện phiếm của đàn ông.
Những cử tri ủng hộ ông Trăm còn hoan nghênh ông với tư cách là một “hiệp sĩ da trắng” thành thạo làm ăn, có thể giúp bảo vệ nền sản xuất trong nước trước làn sóng ngoại thương, có thể đặt lợi ích quốc gia lên trên những thỏa thuận quốc tế như hạt nhân I-ran hay biến đổi khí hậu - xa vời với lợi ích sát sườn.
Có thể nói, cử tri Mỹ sợ điều gì, ông Trăm đã trấn an họ đúng điều đó. Cho dù ông trấn an họ bằng những biện pháp mà một số nhà phân tích cho rằng có thể chính ông cũng chưa biết sẽ thực hiện thế nào, nhưng điều quan trọng là ông đã có được lá phiếu của họ.
Châu Á có Đu-téc-tê
Một trường hợp tương tự đã xảy ra ở Phi-líp-pin với Tổng thống Rô-đri-gô Đu-téc-tê. Theo
ABS-CBN News, chính nhờ sự phản đối giới tinh anh Phi-líp-pin mà ông đã được cử tri coi là người của nhân dân rồi đưa lên làm tổng thống.
Nhà dân túy Đu-téc-tê đã nói rõ ông sẵn sàng hy sinh nhân quyền vì luật pháp và trật tự, cam kết tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm ma túy.
Bất chấp bị quốc tế và phe đối lập chỉ trích mạnh vì chiến dịch, ông Đu-téc-tê vẫn được người dân Phi-líp-pin ủng hộ mạnh mẽ. Bằng chứng là tỷ lệ ủng hộ ông sau ba tháng cầm quyền ở mức đáng thèm muốn 76%.
|
Ông Rô-đri-gô Đu-téc-tê rất được lòng dân Phi-líp-pin. Ảnh: AFP/TTXVN |
Châu Âu có Brexit
Các nhà bình luận gần đây đã so sánh chiến thắng của ông Trăm với kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Cử tri Anh đã chọn rời Liên minh châu Âu (EU) cũng xuất phát từ nỗi sợ và sự giận dữ về làn sóng nhập cư cũng như việc Anh phải lệ thuộc nhiều vào EU.
Bất chấp các khảo sát và niềm tin của giới chính trị, truyền thông Anh, 52% cử tri Anh đã chọn điều mà không ai nghĩ tới. Lãnh đạo đảng Độc lập Anh Ni-giê Phây-ra-ghê, một nhà dân túy, đã trở thành gương mặt của phong trào giành lại quyền kiểm soát về biên giới và chính sách nhập cư cho nước Anh. Chính nhờ khai thác tâm lý lo sợ của cử tri mà ông Phây-ra-ghê đã thành công trong vận động Anh rời EU.
Ông Trăm từng ví chiến dịch tranh cử của mình là “Brexit cộng cộng cộng”. Còn ông Phây-ra-ghê, sau chiến thắng của ông Trăm, đã chúc mừng và nhận định năm 2016 là năm của hai “cuộc cách mạng chính trị vĩ đại”.
Sẽ có thêm Trăm ở châu Âu?
Không chỉ ở Anh với phong trào Brexit, làn sóng dân túy còn càn quét hầu như mọi nước ở châu Âu trong bối cảnh châu lục đang đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tại Pháp, thủ lĩnh Ma-rin-nơ Lơ Pen của đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu đang sẵn sàng tâm thế để tranh cử tổng thống vào tháng 5-2017, mặc dù khảo sát dự báo bà sẽ bị đánh bại bởi một ứng cử viên bảo thủ chính thống hơn.
Tương tự, từ Áo tới Hà Lan, Đức tới các nước thuộc khu vực Xcan-đi-na-vơ, các đảng từng đứng bên rìa đang dần mạnh lên và được người dân chấp nhận. Ví như đảng chống người nhập cư, bài xích Hồi giáo mang tên Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) đang giành được 12% tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc sau khi thắng một số ghế trong bầu cử nghị viện bang. Đảng này đang là cơn đau đầu với Thủ tướng An-giê-la Méc-ken khi bà chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ 4.
Thủ tướng cánh hữu Hung-ga-ri là ông Vích-to Ô-ban cũng đã trở thành một nhân vật đi đầu cho phong trào chống người tị nạn ở Đông Âu.
Tại Áo, chính trị gia Nô-bét Hô-phơ thuộc đảng cực hữu cũng đang kỳ vọng chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu lại để bầu tổng thống vào tháng 12 tới.
Nếu ông Trăm đã thắng cử ở Mỹ, ông Đu-téc-tê đã thắng cử ở Phi-líp-pin và nước Anh đã rời EU, thì việc các nhân vật dân túy ở châu Âu kể trên giành chiến thắng là điều hoàn toàn có thể./.
Theo Báo Tin Tức