Chính trường I-ta-li-a chao đảo vì trưng cầu ý dân

09:11, 30/11/2016
Khi một loạt nhà lãnh đạo châu Âu gặp Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vào tháng 11 này tại Béc-lin để nói lời chào từ biệt ông, Thủ tướng I-ta-li-a Mát-tê-ô Ren-di đã thông báo với họ rằng ông thậm chí có thể rời nhiệm sở trước Tổng thống Mỹ.
 
Trong khi ông Ô-ba-ma sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20-1 tới, ông Ren-di cam kết sẽ từ chức nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi hiến pháp vào ngày 4-12. Kết quả bỏ phiếu “không” sẽ khiến bất ổn chính trị trở lại nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro này. 
Các cuộc thăm dò dư luận dự đoán ông Ren-di sẽ thất bại. Điều này sẽ được coi là cuộc nổi dậy chống lại giới cầm quyền chính trị lớn thứ ba của các cử tri trong năm nay ở một quốc gia phương Tây, sau cuộc bỏ phiếu của Anh về việc rời Liên minh châu Âu (EU) và việc ông Đô-nan Trăm đắc cử tổng thống Mỹ.   
 
Hiện có ngày càng nhiều sức ép kêu gọi ông Ren-di từ bỏ lời đe dọa từ chức của ông và thay vào đó đồng ý ở lại nhiệm sở để giải quyết hậu quả của kết quả bỏ phiếu “không”, trong đó có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng. Tuy nhiên, ba chính khách trung tả, những người thường xuyên liên hệ với ông Ren-di, tiết lộ với Roi-tơ rằng ông sẽ giữ lời hứa và ngay lập tức từ chức nếu thua cuộc, bởi ông lo ngại rằng nếu không làm vậy, hình ảnh chính trị của ông sẽ bị hủy hoại.    
Người dân Italia biểu tình phản đối cải cách Hiến pháp ở Rome ngày 27-11. Ảnh: EPA/TTXVN
Người dân I-ta-li-a biểu tình phản đối cải cách Hiến pháp ở Rô-ma ngày 27-11. Ảnh: EPA/TTXVN
Tổng thống I-ta-li-a có thể kêu gọi tinh thần trách nhiệm của ông Ren-di và đề nghị ông tìm kiếm sự ủy thác mới từ Quốc hội. Sự phản ứng của ông Ren-di có thể phụ thuộc vào mức độ thua cuộc. Một cố vấn cho rằng vị thủ tướng 41 tuổi này có thể hoàn toàn rời bỏ chính trường nếu ông chịu sự thất bại nặng nề. 
 
Cuộc trưng cầu ý dân lần này đề xuất cải cách hiến pháp để củng cố quyền lực cho Hạ viện và giảm bớt quyền của Thượng viện. Chính quyền địa phương sẽ mất đi một số quyền quyết định trong khi quyền lực của Chính phủ Trung ương được củng cố. Ông Ren-di nói rằng kế hoạch này là rất cần thiết để có thể kiểm soát được I-ta-li-a - vốn trải qua 63 Chính phủ kể từ năm 1948 - nhằm tiến hành các cải cách cần thiết để khôi phục nền kinh tế suy tàn. Những người phản đối cho rằng kế hoạch này sẽ làm suy giảm các biện pháp kiểm soát và đối trọng dân chủ.    
 
Ông Ren-di thừa nhận rằng việc cá nhân hóa cuộc bỏ phiếu này là một sai lầm và đến tháng 8-2016, ông đã thay đổi chiến thuật, từ chối thảo luận về tương lai của ông trong khi tiếp tục chiến dịch vận động. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận cho thấy không hề có dấu hiệu lòng tin được khôi phục, Thủ tướng phải đặt cược với lời đe dọa từ chức ban đầu của ông.    
 
Nếu ông Ren-di từ chức, hiện chưa rõ rằng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Câu trả lời trước mắt sẽ là I-ta-li-a sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn một năm. Tuy nhiên, ông Ren-di đã quá tự tin vào chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân đến mức ông đã đưa ra luật bầu cử mới hồi năm 2015 chỉ áp dụng cho Hạ viện bởi tin rằng Thượng viện sẽ không còn tiếng nói. Để tránh việc sử dụng hai hệ thống bầu cử khác nhau cho hai viện, Quốc hội sẽ phải đưa ra luật bầu cử mới, tiến trình này có thể kéo dài gần hết năm 2017.    
 
Tổng thống Xéc-gi-ô Mát-ta-rê-la, người nắm quyền lực tối cao trong chính trường I-ta-li-a, có thể yêu cầu ông Ren-di giám sát việc cải cách này với vai trò người đứng đầu cái gọi là “Chính phủ đặc biệt”, nhưng các đồng minh của Thủ tướng nói rằng ông sẽ không bao giờ chấp nhận quyền lực hạn chế như vậy.    
 
Các quan chức chính phủ mà Roi-tơ liên hệ cho biết nếu ông Ren-di không sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo bù nhìn, Bộ trưởng Kinh tế Pi-e Các-lô Pa-đô-an hay Chủ tịch Thượng viện Pi-e-trô Grát-sô có khả năng sẽ là các ứng cử viên hàng đầu đảm nhận vị trí đó. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Pa-đô-an hay ông Grát-sô sẽ không thể nắm quyền nếu không có sự chấp thuận của ông Ren-di, bởi Chính phủ này sẽ cần sự ủng hộ của đảng PD để tồn tại. Các đồng minh của ông Ren-di lo sợ ông sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành động của Chính phủ đó dù ông không phải là thủ tướng đi chăng nữa./.
 
Theo Báo Tin Tức


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com