Các "quân bài" giúp Tổng thống Vê-nê-du-ê-la

08:11, 18/11/2016
Theo giới phân tích, vòng đối thoại về cuộc khủng hoảng ở Vê-nê-du-ê-la cuối tuần qua đã đem lại lợi thế cho Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô và khiến phe đối lập lúng túng trong nỗ lực hạ bệ ông Ma-đu-rô.
 
Dưới đây là 5 “quân bài” mà tổng thống theo chủ nghĩa xã hội này nắm giữ để áp đảo phe đối lập trong cuộc đối thoại về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị dưới sự trung gian hòa giải của Tòa thánh Va-ti-căng:
 
1. Ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân: Trong tuyên bố ngày 12-11, hai bên đã cam kết tìm kiếm một giải pháp “dân chủ, hòa bình” cho cuộc khủng hoảng, giải quyết tình trạng thiếu lương thực và thảo luận về cải cách bầu cử. Tuy nhiên, ông Ma-đu-rô đã bác bỏ yêu cầu chính của phe đối lập, đó là tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc phế truất tổng thống trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2019. Ông đã chống lại sức ép này với sự hậu thuẫn của tòa án tối cao và ủy ban bầu cử - các cơ quan mà phe đối lập cho là đang nằm dưới sự kiểm soát của ông.
 
Béc-ni-nô A-la-công, nhà chính trị học của Trường Đại học An-đrét Bê-lô, nói: “Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đã bị đẩy vào tình huống bất lợi bởi các vấn đề căn bản nhất không được đề cập trong tuyên bố hôm 12-11”.
 
2. Phe đối lập suy yếu: Để ngồi vào bàn đàm phán, phe đối lập đã tạm ngừng lời đe dọa tiến hành các cuộc biểu tình trên đường phố và đâm đơn kiện Tổng thống Ma-đu-rô. Động thái này đã gây ra sự chia rẽ rõ ràng trong liên minh MUD đối lập. Một nửa trong số 30 nhóm đối lập cấu thành liên minh đã tẩy chay cuộc đối thoại này. Lu-i Vi-xăng-tê đờ Lê-ông, Giám đốc Cty Điều tra dư luận Đa-ta-na-li-sít, nói: “Nếu tính đến số người có mặt trong cuộc đàm phán, thì rõ ràng Chính phủ đã chiến thắng trong vòng này. Họ đã tìm cách trấn an người dân, khẳng định vị thế của họ là một bên đàm phán với sự tham gia của nhân tố quốc tế và nêu bật chia rẽ trong phe đối lập”.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại một sự kiện ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô tại một sự kiện ở Ít-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-10. Ảnh: AFP/TTXVN
3. Sự thận trọng của cộng đồng quốc tế: Chuyên gia A-la-công cho rằng ông Ma-đu-rô đã thể hiện thành công lần này. Việc tổ chức cuộc đối thoại đã giúp ngăn chặn sức ép từ cộng đồng quốc tế. Các thành viên của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã bàn về việc trừng phạt Vê-nê-du-ê-la. Tuy nhiên, theo ông A-la-công, khi cuộc đối thoại được tiến hành, “không còn ai kêu gọi trừng phạt nữa”. Trong khi đó, nhóm tư vấn Ơ-xa-ri-a cho rằng “phe đối lập đang trong thế bất lợi bởi thực tế rằng họ đang chịu sức ép lớn từ Tòa thánh Va-ti-căng và các nhân tố quốc tế khác buộc họ phải tiếp tục đối thoại”.
 
4. Sự trung thành của quân đội: Trong bối cảnh ông Ma-đu-rô ngăn chặn nỗ lực tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, chuyên gia A-la-công cho rằng phe đối lập “không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở lại chiến lược tiến hành biểu tình trên đường phố và gây sức ép pháp lý”. Nhóm tư vấn Ơ-xa-ri-a đánh giá rằng “việc tiếp tục cuộc đối thoại có lợi cho ông Ma-đu-rô và củng cố quan điểm rằng ông ta có thể sẽ cầm quyền đến khi kết thúc nhiệm kỳ, trừ phi xảy ra một “cuộc bùng nổ” khiến người dân đổ ra đường phố”. Việc tiến hành cuộc đối đầu trên đường phố là chiến lược đầy rủi ro đối với phe đối lập bởi ông Ma-đu-rô nhận được sự ủng hộ lớn của Tổng tư lệnh quân đội. Ngày 14-11, Tổng Thư ký MUD Giê-sút Tô-ren-an-ba thừa nhận rằng “một khi phải viện đến bạo lực, ông Ma-đu-rô vẫn có thể kiểm soát được”.
 
5. “Lá chắn” từ các khoản nợ: Phe đối lập đang đổ lỗi cho các chính sách kinh tế và sự quản lý yếu kém của ông Ma-đu-rô gây ra cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, ông Ma-đu-rô nói rằng đó là âm mưu của chủ nghĩa tư bản do Mỹ “chống lưng”. Các chuyên gia kinh tế tự hỏi liệu Chính phủ có thể bị lật đổ hay không nếu họ bị vỡ nợ khoản tiền hàng tỷ USD mà Vê-nê-du-ê-la vay từ Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài khác. Tuy nhiên, tháng 10-2016, tập đoàn xuất khẩu dầu khí nhà nước PDVSA, trụ cột kinh tế của Vê-nê-du-ê-la, đã trả được một khoản tiền cần thiết. Họ đã tái cơ cấu 39% khoản nợ thông qua hoán đổi trái phiếu./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com