Theo Sputnik, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản I-ô-si-hi-đe Su-ga ngày 19-10 cho biết, một dự luật dọn đường cho Nhật hoàng A-ki-hi-tô (82 tuổi), thoái vị và đưa Thái tử Na-ru-hi-tô lên ngôi sẽ được trình lên Quốc hội Nhật Bản trong kỳ họp nửa đầu năm 2017.
Nhật hoàng Akihito. Ảnh: history.com. |
Theo ông Su-ga, nhóm chuyên gia đã kết thúc phiên họp đầu tiên bàn về vấn đề thoái vị của Nhật hoàng. Đây là cơ sở để soạn thảo dự luật trình Quốc hội. Xuất hiện trong đoạn video từ tháng 8, Nhật hoàng A-ki-hi-tô cho biết sẵn sàng thoái vị vì lo ngại tuổi tác ngăn cản ông không thể hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ.
Theo hiến pháp hiện hành, Nhật hoàng chỉ được truyền ngôi khi qua đời. Theo thăm dò, khoảng 80% người Nhật Bản ủng hộ Nhật hoàng thoái vị. Ngoài vấn đề thoái vị, Hiến pháp Nhật Bản vẫn chưa quy định phụ nữ lên ngôi khi Thái tử Na-ru-hi-tô không có con trai. Vì vậy, khi ông lên ngôi, người kế vị thứ nhất sẽ là người em trai, Hoàng tử A-ki-hi-tô và người kế vị thứ hai là con trai của Hoàng tử A-ki-hi-tô.
Triều Tiên phóng tên lửa Mu-su-dan nhưng lại thất bại
Triều Tiên lại bắn một quả tên lửa đạn đạo tầm trung vào hồi 7h sáng 20-10 theo giờ địa phương (5h sáng giờ Việt Nam), nhưng vụ phóng đã thất bại.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ thông báo: “Các hệ thống của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ phát hiện ra điều mà chúng tôi đánh giá là một vụ phóng tên lửa bất thành của Triều Tiên. Quả tên lửa này được cho là một quả tên lửa đạn đạo tầm trung Mu-su-dan. Bộ Tư lệnh phòng thủ vũ trụ Bắc Mỹ kết luận rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không gây ra đe dọa đối với Bắc Mỹ”.
Pháp tạm ngừng hoạt động 5 lò phản ứng hạt nhân
Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp (ASN) đã yêu cầu Tập đoàn điện lực EDF tạm ngừng hoạt động của 5 lò phản ứng hạt nhân tại Pháp để tiến hành các biện pháp kiểm soát bổ sung.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 19-10, để đảm bảo an toàn hạt nhân, EDF sẽ phải tiến hành kiểm soát trong 3 tháng đối với 5 lò phản ứng hạt nhân này do nghi ngại các nồi hơi được trang bị kèm theo có phần kết cấu thép bị ảnh hưởng do lượng khí carbon tích tụ cao.
Hiện tại Pháp có 18 lò phản ứng hạt nhân được trang bị các lò hơi, trong đó có 12 lò phản ứng hạt nhân được trang bị loại lò hơi có đáy sơ cấp. Pháp là quốc gia có số nhà máy điện hạt nhân nhiều nhất châu Âu với 58 lò phản ứng hạt nhân, đảm bảo cung cấp 75% sản lượng điện cho toàn quốc./.
Theo baotintuc.vn