Những hành động “ăn miếng, trả miếng” giữa Nga và Mỹ trong thời gian gần đây khiến mối quan hệ song phương, vốn rơi vào tình trạng xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, leo lên nấc thang căng thẳng mới.
Nấc thang căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ bùng phát sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại Xi-ri mà Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn đạt được ngày 9-9 vừa qua thất bại sau một tuần thực thi. Hai bên đã đổ lỗi cho nhau về những diễn biến tiêu cực tại chiến trường Xi-ri. Theo Mỹ, Nga và quân đội Chính phủ Xi-ri không thực thi “nghiêm túc” thỏa thuận ngừng bắn, lựa chọn “con đường quân sự” tiếp tục tấn công vào nhiều khu dân cư, bệnh viện, cơ sở hạ tầng thiết yếu… khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này thêm trầm trọng. Mỹ thông báo quyết định ngừng hợp tác với Nga tại Xi-ri. Mỹ tuyên bố sẽ chuyển sang thực hiện “Phương án B” ở Xi-ri, cụ thể là tăng cường số lần không kích, điều thêm lực lượng đặc nhiệm đến khu vực và cung cấp thêm vũ khí mới cho lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn.
Trong khi đó, đáp lại, Mát-xcơ-va cáo buộc cuộc khủng hoảng tại Xi-ri không tìm được lối thoát là do Oa-sinh-tơn không đủ “năng lực” phân định được lực lượng đối lập “ôn hòa” và khủng bố. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vi-ta-li Chu-kin chỉ trích Mỹ “nhắm mắt làm ngơ” trước hành động phương Tây trang bị các loại vũ khí hiện đại cho nhóm khủng bố An Nu-ra, khiến tái thiết hòa bình tại Xi-ri đã trở thành “nhiệm vụ không khả thi”.
Nga cũng có nhiều hành động mạnh mẽ như đình chỉ thỏa thuận nghiên cứu năng lượng hạt nhân, trao đổi urani và ngừng thỏa thuận về sử dụng plutoni. Mát-xcơ-va nêu điều kiện khôi phục hiệu lực các thỏa thuận này - đó là Oa-sinh-tơn trước hết phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt, trong đó có “Đạo luật Magnitsky” và cắt giảm số quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Đông Âu.
Nga cũng đồng thời quyết định triển khai cường kích Su-24 và tiêm kích bom Su-34 đến Xi-ri, trong khi Su-25 cũng đã sẵn sàng tái triển khai đến khu vực. Đặc biệt Nga còn triển khai hàng loạt hệ thống phòng không S-300 và S-400 tại Xi-ri với lý do để bảo vệ các binh lính đồn trú tại căn cứ hải quân Ta-tút và căn cứ không quân Khmây-mim.
|
Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin (trái) và người đồng cấp Ba-rắc Ô-ba-ma. Ảnh: AFP |
Sự leo thăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai siêu cường hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun đã phải hối thúc các cường quốc thế giới làm việc tích cực hơn để chấm dứt “cơn ác mộng” ở Xi-ri, trong khi Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận về cuộc xung đột đang leo thang tại quốc gia Trung Đông này.
Theo giới phân tích, nguyên nhân sâu xa khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ leo thang căng thẳng là do sự khác biệt về mục tiêu và lợi ích tại những điểm nóng xung đột. Tại Xi-ri, theo đề nghị của Tổng thống Ba-sa An Át-xát, Nga đã điều lực lượng không quân tiến hành chiến dịch không kích tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, hỗ trợ quân đội Chính phủ Xi-ri đẩy lùi lực lượng khủng bố. Chế độ hợp pháp của Tổng thống An Át-xát được củng cố và ngày càng giành thêm nhiều vùng lãnh thổ từ tay các tổ chức khủng bố. Điều cũng giúp Nga bảo vệ vị thế và ảnh hưởng của mình tại Xi-ri nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.
Trong khi đó, mục tiêu hàng đầu của Mỹ lật đổ chế độ của Tổng thống hợp pháp An Át-xát, người mà Oa-sinh-tơn coi là “vật cản trở” lợi ích địa chính trị của Mỹ trong khu vực. Sự cạnh tranh lợi ích địa chính trị tương tự cũng xảy ra tại U-crai-na, quốc gia vốn có thời cùng Nga trong “đại gia đình” Liên bang Xô viết. Bỏ qua những cảnh báo của Mát-xcơ-va, Oa-sinh-tơn đã tìm mọi cách kéo Ki-ép đi vào quỹ đạo của mình và hậu quả là cảnh “nồi da nấu thịt” tại quốc gia Đông Âu này trong suốt hơn hai năm qua.
Giới phân tích cho rằng sự “đóng băng” trong quan hệ Nga - Mỹ sẽ tác động tiêu cực tới tình hình an ninh khu vực và quốc tế nói chung. Việc Nga và Mỹ quay lưng lại trong vấn đề Xi-ri sẽ khiến cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này đứng trước nguy cơ càng trở nên trầm trọng. Trong khi đó, tại U-crai-na, căng thẳng giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn cũng khiến cho triển vọng giải quyết khủng hoảng tại nước này trở nên mờ mịt. Trên bình diện quốc tế, việc hai siêu cường hạt nhân thế giới ngừng hợp tác sẽ khiến nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc giải giáp vũ khí hạt nhân, đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chống biến đổi khí hậu cũng như những thách thức phi truyền thống khác đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Thiếu đi sự hợp tác kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ làm tăng rủi ro vũ khí giết người hàng loạt này rơi vào tay những kẻ khủng bố quốc tế.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế bày tỏ đặc biệt quan ngại và hy vọng rằng Nga và Mỹ sẽ nỗ lực kiềm chế, nhanh chóng tìm được giải pháp “hạ nhiệt” quan hệ song phương vì lợi ích chung./.
Theo TTXVN