Căng thẳng gần đây giữa Nga và Mỹ về tình hình Xi-ri đã tăng lên cấp độ mới. Nga đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng trò “lá mặt lá trái” của Mỹ sẽ không thể được tha thứ nữa.
Các thông điệp của Nga gửi tới Mỹ đã lên tới cấp độ quân sự và ngoại giao, sau một loạt tuyên bố và hành động của Mỹ ám chỉ khả năng leo thang chống lại quân đội Xi-ri.
Nga đã triển khai các hệ thống phòng không S400 và S300 tại Xi-ri. Đây được xem là một thông điệp rõ ràng gửi đến Mỹ rằng bất kỳ cuộc can thiệp quân sự hoặc tấn công nào nhằm vào quân đội Xi-ri sẽ bị trừng phạt. Việc triển khai hệ thống phòng không này diễn ra trong bối cảnh liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tấn công nhằm vào các cứ điểm của quân đội Xi-ri hồi tháng 9-2016. Khoảng 90 binh sĩ Xi-ri đã thiệt mạng bởi các cuộc không kích trong khi đang chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở tỉnh Đây An-du.
Sau các cuộc không kích đánh dấu lần đầu tiên liên minh do Mỹ dẫn đầu tấn công quân đội Xi-ri, giới phân tích cho rằng liên minh chống khủng bố của Mỹ đang thay đổi quan điểm ở Xi-ri. Liên minh đã chuyển sang tấn công nhằm vào các cứ điểm của quân đội Xi-ri để giúp phe nổi dậy trong cuộc chiến chống lại lực lượng chính phủ, đặc biệt là bởi quân đội Xi-ri đang có bước tiến lớn trước phe nổi dậy nhờ có sự giúp đỡ của Nga.
|
Đại sứ Nga tại LHQ Vi-ta-li Chu-kin (thứ hai, phải, hàng đầu) bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết của Pháp tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Xi-ri ở Niu-oóc ngày 8-10. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Mặc dù Mỹ nói rằng các cuộc không kích nhằm vào quân đội Xi-ri chỉ là điều “chẳng may”, nhưng giới phân tích cho rằng đó là dấu hiệu đầu tiên trong chuỗi các sự kiện cho thấy sự thay đổi quan điểm của Mỹ. Nhà phân tích chính trị Ma-hơ I-san nhận định: “Khả năng lực lượng Chính phủ Xi-ri tái chiếm Thành phố A-lép-pô mà phe nổi dậy đang nắm giữ một phần sẽ là một đòn giáng đối với các nhóm thánh chiến và phe nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây hậu thuẫn. Đó là lý do tại sao các cường quốc phương Tây đang “đấu đá” bằng các biện pháp ngoại giao để họ không mất ảnh hưởng ở A-lép-pô, bởi họ biết rõ rằng Tổng thống Ba-sa An Át-xát sẽ giành được lợi thế trong cuộc xung đột nếu A-lép-pô trở về tay ông… Với việc Nga triển khai hệ thống phòng không, việc Mỹ tung ra mọi nỗ lực để thúc đẩy sự thay đổi chế độ ở Xi-ri sẽ chỉ tính từng ngày”.
Ngày 8-10, tại Hội đồng Bảo an LHQ, Nga và một bên gồm các nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Mỹ đã tranh cãi kịch liệt, tạo ra cuộc leo thang căng thẳng khác ở LHQ. Lần thứ 5 kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra ở Xi-ri 5 năm trước, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ dự thảo nghị quyết của Pháp. Các cường quốc phương Tây nói trên cũng dùng quyền phủ quyết chống lại Nga, với việc đồng loạt giơ tay phản đối dự thảo nghị quyết mà Nga đưa ra cũng trong phiên họp bất thường hôm 8-10.
Giới phân tích cho rằng lá phiếu phủ quyết của Nga là một thông điệp khác gửi tới Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ rằng bất kỳ động thái nào nhằm hỗ trợ phe nổi dậy cực đoan là không thể chấp nhận, bởi việc tiến hành không kích ở phía Đông A-lép-pô sẽ chỉ giúp củng cố phe nổi dậy, vốn phần lớn liên kết với Mặt trận Nu-ra, hiện đã đổi tên thành Gia-bát Pha-tê An-sam, sau khi cắt đứt quan hệ với An Kê-đa.
Phát biểu với Tân Hoa xã, nhà phân tích chính trị Áp-mát An Át-ca nói: “Nếu không phải vì lá phiếu phủ quyết của Nga thì các cường quốc phương Tây cũng sẽ áp đặt sự chi phối và lặp lại các hành động thiếu trách nhiệm của họ, như chúng ta đã thấy ở I-rắc và Li-bi. Họ muốn thiết lập một vùng cấm bay để hỗ trợ phe nổi dậy trên thực địa, và ngăn chặn Chính phủ Xi-ri trục xuất các tay súng nổi dậy khỏi miền Đông A-lép-pô”.
Ông nhấn mạnh rằng với việc Nga đang cố gắng ngăn chặn Mỹ, thế giới có thể thấy được các giải pháp khác cho cuộc khủng hoảng Xi-ri - nơi “chính sách của phương Tây nhằm kích động bất ổn thay vì đưa ra các biện pháp sẽ bị hạn chế”./.
Theo Báo Tin Tức