Các con số thống kê hiện nay cho thấy đang diễn ra làn sóng thất thoát nhân lực và trí tuệ khỏi nước Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, mới đây Ủy ban Sáng kiến dân sự (KGI) đã trình bày tại Mát-xcơ-va bản báo cáo “Sự di cư khỏi Nga cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21”. Báo Die Welt (Đức) cho biết, trên cơ sở các số liệu thống kê của Nga và nước ngoài các chuyên gia cố gắng đánh giá quy mô, xu hướng và hậu quả của việc chảy máu nhân lực này.
Con số thống kê hai mặt
Theo số liệu của Cục Thống kê Nga (Rosstat), số người từ bỏ LB Nga từ năm 2011 đến năm 2015 tăng đáng kể: 51.800 so với 29.500. Theo các chuyên gia, con số này đã bị hạ thấp rất nhiều. Nếu lấy con số thống kê của các quốc gia tiếp nhận nhiều công dân Nga nhất - Đức, Mỹ, Ít-xra-en - thì thấy có sự vênh quá lớn.
Rosstat thông báo có 3.979 người Nga sang Đức, còn thống kê của Đức là 33.233. Rosstat - 1.485 người Nga sang Mỹ, con số thống kê của Mỹ - 9.753. Rosstat - 1.090 người Nga đến Ít-xra-en, con số của Ít-xra-en - 4.094. Như vậy là để có số liệu thực tế về quy mô di cư khỏi Nga thì cần lấy số liệu của Rosstat nhân 3-4 lần.
Đi đâu?
Các nhà nghiên cứu đã đúc kết các nhóm quốc gia mà người Nga thích đến. Nhóm thứ nhất là các địa chỉ truyền thống đã nói ở trên - Đức, Mỹ, Ít-xra-en. Nhóm thứ hai là các nước có mức sống cao, nơi mà những người Nga giàu có hoặc có trình độ chuyên môn cao lựa chọn - Anh, Thụy Sỹ, Áo, Ốt-trây-li-a, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan.
Các tác giả của bản báo cáo về tình trạng di cư khỏi Nga. Ảnh: Internet |
Nhóm thứ ba là các nước có mức sống thấp hơn nhưng thủ tục nhập cư đơn giản hơn: Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Hy Lạp, Séc, Lát-vi-a, Ba Lan. Cuối cùng, nhóm thứ tư với những điều kiện thuận lợi đối với người nhập cư làm nghề kinh doanh hoặc tầng lớp trí thức: Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Năm làn sóng di cư
Các tác giả của bản báo cáo đã tách ra năm làn sóng di cư. Thứ nhất (1990-1994): những người tị nạn và người dân tộc thiểu số tìm kiếm cơ hội định cư ở nước ngoài. Các nhà khoa học ra đi với thị thực ngắn hạn nhưng sau đó thì chuyển thành cư trú dài hạn.
Thứ hai (1995-2000): các doanh nhân và lưu học sinh. Thứ ba (2000-2005): những người có nguồn thu nhập từ việc cho thuê nhà, cho vay tiền hoặc các cô dâu, chú rể tương lai. Thứ tư (2006-2010) và thứ năm (2010-2015): giới doanh nhân, đầu tiên là những ông chủ nhỏ và vừa, về sau là những ông chủ lớn.
Động cơ
Theo các chuyên gia, những người Nga ra đi phần lớn là do các động cơ kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội. Nhóm thứ nhất: điều kiện kinh doanh không ổn định, cách thức điều hành kinh tế mang hơi hướng hình sự, lương thấp, ngân sách Nhà nước dành cho khoa học thấp, không có cơ hội thăng tiến. Nhóm thứ hai: đồng cảm với quan điểm đối lập, nguy cơ từ việc tham gia công khai các hoạt động phản đối, các thể chế của xã hội dân sự yếu.
Phóng viên báo Die Welt đặt câu hỏi: Liệu có phải động cơ chính trị liên quan đến phong trào phản đối trong các năm 2011-2012 là nguyên nhân thúc đẩy làn sóng di cư những năm gần đây không? Ông Ép-ghê-ni Gôn-ma-khơ, người đọc bản báo cáo, thành viên của KGI, Phó Giám đốc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, phủ nhận.
Ông nói: “Các động cơ kinh tế - xã hội là nguyên nhân cơ bản. Làn sóng chính của các năm 2012-2013 không liên quan đến chính trị. Nếu nói rằng năm 2011 gây ra làn sóng di cư như năm 2017 thì đây là sự thổi phồng”.
Ai có lợi?
Các nhà nghiên cứu nói rằng một mặt việc di cư là một quá trình rất tích cực. Có vẻ như ai cũng có lợi: người ra đi có cơ hội thỏa mãn nhu cầu của mình còn nước Nga tránh được những công dân có tâm trạng tiêu cực, đất nước tiếp nhận thì có thêm nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, mặt khác thì Nga mất đi những công dân tích cực nhất. Và đó là sự thất thoát tiềm lực con người và trí tuệ. Điều đáng lo ngại là những tầng lớp ưu tú không gắn tương lai của mình với nước Nga. Họ không chỉ mang vốn liếng ra khỏi Nga mà còn mang theo con cái.
Tác giả thứ hai của bản báo cáo, ông A-lếch-xăng-đơ Grê-ben-dúc nhấn mạnh rằng một số lượng lớn các nhà khoa học Nga rời bỏ đất nước và đây không phải là sự “thẩm thấu” mà thực sự là thất thoát, sự chảy máu chất xám. Trong năm 2013 tại Đức có 3.672 nhà khoa học Nga làm việc tại Đức, đông nhất trong các nhà khoa học nước ngoài./.
Theo baotintuc.vn