Khi đồng nhân dân tệ (NDT) gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế, thị trường phổ biến kỳ vọng đồng NDT sẽ tăng giá. Do vậy, việc đồng NDT mất giá mạnh là một bất ngờ lớn và nó còn tác động mạnh tới kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.
Ngày 1-10, đồng NDT chính thức trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Kỳ vọng vào thời đại đồng NDT ổn định dấy lên. Nhưng ngay trong phiên giao dịch đầu tiên với vai trò mới, tỷ giá đồng NDT đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9-2010. Một điều đáng chú ý khác là từ giữa tháng 7 tới trước ngày 10-10, ngưỡng 6,7 NDT/USD là mốc rất quan trọng và có thể thấy những nỗ lực khá rõ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) nhằm bảo vệ mốc then chốt này. Nhưng ngay sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh và cũng là phiên đầu tiên đồng NDT được giao dịch với vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế chính thức, tỷ giá tham chiếu của đồng NDT đã rơi khỏi ngưỡng 6,7 NDT/USD, đạt 6,7008 NDT/USD. Đà mất giá của đồng NDT vẫn chưa dừng lại, tiếp tục giảm xuống 6,7098 NDT/USD trong ngày 11-10 và 6,7258 NDT/USD của ngày 12-10.
Đành rằng đồng NDT mất giá một phần là do gần đây đồng USD tăng giá, nhưng khi đồng NDT gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế, thị trường phổ biến kỳ vọng đồng NDT sẽ tăng giá. Do vậy, việc đồng NDT mất giá mạnh là một bất ngờ lớn. Bên cạnh đó, việc bỏ mốc 6,7 NDT/USD cho thấy PBoC sẵn sàng để đồng NDT dao động với biên độ lớn hơn, thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy cải cách thị trường hối đoái. Rất có thể thời gian tới, đồng NDT sẽ tiến vào vùng giao dịch mới. Và về mặt lý thuyết, việc đồng NDT mất giá sẽ có lợi cho xuất khẩu, giúp đa số doanh nghiệp niêm yết được lợi, từ đó ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, phải thấy rằng việc đồng NDT mất giá liên tục sẽ tác động tới dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.
|
Hãng tin
Tân Hoa xã của Trung Quốc mới đây cho hay kết dư dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tới cuối tháng 9 đạt 3.166,38 tỷ USD, là mức thấp nhất kể từ tháng 6-2011; so với tháng 8, giảm 18,8 tỷ USD, là mức giảm lớn nhất trong 3 tháng lại đây. Theo một số chuyên gia, đằng sau sự sụt giảm liên tiếp của kho dự trữ ngoại tệ Trung Quốc là nỗi lo dòng vốn tháo chạy và kỳ vọng vào việc đồng NDT tiếp tục phá giá. Trong bối cảnh không gian giảm lãi suất và dự trữ bắt buộc đã đóng lại, PBoC hiện nay dường như chỉ còn cách sử dụng kho dự trữ ngoại tệ để duy trì sự ổn định của tỷ giá. Nhưng với tốc độ thụt giảm của kho dự trữ ngoại tệ như hiện nay, câu hỏi đặt ra là PBoC sẽ còn chống đỡ được bao lâu.
Mới đây, Trợ lý Giáo sư Crít-xtốp-phơ Ban-đinh thuộc Trường Kinh doanh HSBC, Đại học Bắc Kinh cho biết mỗi tháng Trung Quốc phải bỏ ra 50 tỷ USD để ngăn chặn đồng NDT mất giá. Nói cách khác, Trung Quốc đang bán đồng USD trong kho dự trữ của mình để mua đồng NDT trên thị trường quốc tế. Ông Ban-đinh nhận định: “Nếu họ (quan chức Trung Quốc) lên đài truyền hình Trung ương tuyên bố rằng họ sẽ hoàn toàn để thị trường quyết định giá trị đồng NDT thì tôi không cho rằng đồng NDT lập tức mất giá 15 đến 20% là một sự cường điệu”. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Ban-đinh, đầu tư bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc đã giảm 40%. Nếu cộng thêm việc dòng vốn tiếp tục chảy khỏi Trung Quốc, áp lực đối với đồng NDT rất lớn. Việc Trung Quốc mua đồng NDT trên thị trường quốc tế trên thực tế đi ngược lại tiến trình quốc tế hóa đồng NDT. “Nếu (đồng NDT) phá giá với tốc độ như hiện nay, khoảng 18 tháng sau, bên ngoài Trung Quốc sẽ không còn có đồng NDT nữa”, ông Ban-đinh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác là đồng NDT mất giá diễn ra đồng thời với việc thị trường bất động sản ở Trung Quốc giảm nhiệt, khiến dòng tiền nóng phải tìm kiếm hướng đi mới. Do nền kinh tế thực thể không lạc quan, không gian tăng lãi suất của ngân hàng cực kỳ hạn hẹp, cho nên, dòng tiền nóng sẽ không chảy về ngân hàng. Theo Báo
Kinh doanh Trung Quốc, rất nhiều người đã nghĩ tới vàng và USD. Do trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất (dự kiến vào tháng 12 tới), giá vàng chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực, vì thế, đồng USD càng được ưa chuộng hơn./.
Theo Báo Tin Tức