Phi-líp-pin vốn là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy sóng gió. Tuy nhiên, kể từ khi ông Rô-đri-gô Đu-téc-tê lên cầm quyền hồi tháng 6 vừa qua, mối quan hệ Mỹ - Phi-líp-pin đã trở nên khó khăn chưa từng thấy.
Trong phát biểu hồi đầu tháng tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ông Đu-téc-tê nói: “Tôi sẽ thay đổi chính sách ngoại giao của mình. Trong nhiệm kỳ của tôi, chắc chắn tôi sẽ từ bỏ Mỹ…”. Tuy nhiên, ngay sau khi trở về Phi-líp-pin, ông Đu-téc-tê đã giải thích những bình luận gây sốc của mình rằng ý đồ của ông chỉ là đề cập đến một sự thay đổi trong chính sách ngoại giao, chứ không phải là cắt đứt quan hệ.
Các bình luận của ông Đu-téc-tê đã chỉ rõ rằng dù mong muốn của ông là kết thúc quan hệ liên minh của Phi-líp-pin với Mỹ, song ông không thể thuyết phục người dân nước mình, vốn vẫn đặt niềm tin vào Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc. Các tuyên bố mới đây của nhà lãnh đạo này, cũng như các phát ngôn trước đó, đều cho thấy trong tương lai ông có thể vẫn sẽ tìm cách cắt đứt mối quan hệ với Mỹ. Câu hỏi đặt ra là nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ kéo theo những hệ quả gì?
|
Tổng thống Phi-líp-pin Đu-téc-tê về tới sân bay quốc tế Đa-vao sau khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc, ngày 22-10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Mắc Bốt, nhà nghiên cứu kỳ cựu về vấn đề an ninh quốc gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã đưa ra nhận định của mình trong một bài viết trên tạp chí “Foreign Policy”, trong đó cho rằng “sự thay đổi của ông Đu-téc-tê, với nguy cơ dẫn tới một sự thay đổi chiến lược lâu dài, là một mối đe dọa tiềm tàng”. Ông viết: “Khi sát cánh cùng Mỹ và các đồng minh khu vực của Mỹ, Phi-líp-pin có thể tạo ra được một nền tảng vững chắc để đối phó với những động thái gây hấn của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Ông Mai-cơn Ma-da, một nhà nghiên cứu về chính sách ngoại giao và quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Hoạt động Mỹ (AEI) trao đổi với tờ “The Daily Caller” rằng việc để mất Phi-líp-pin sẽ làm “phức tạp hóa cả chiến lược phòng vệ mà Mỹ áp dụng kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc nhằm bảo vệ đất nước mình và cả những nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì hòa bình và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông”.
Nếu Phi-líp-pin đứng cùng phía với Trung Quốc, Mỹ sẽ phải vật lộn để có thể bảo vệ “chuỗi đảo đầu tiên” mà Trung Quốc đang nỗ lực xâm lấn. Nếu không có Phi-líp-pin, Hải quân Mỹ có thể đối mặt với nhiều khó khăn trong nỗ lực bảo vệ tuyến thương mại trọng yếu tại Biển Đông. Hơn thế nữa, sự sụp đổ của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Phi-líp-pin, nhất là sự tan vỡ của Hiệp ước Tăng cường Hợp tác và Phòng thủ (EDCA), còn có thể tạo ra mối đe dọa đối với chính nước Mỹ.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng nhìn nhận Phi-líp-pin là một đồng minh thiết yếu của Mỹ. Nhiều người cho rằng ông Đu-téc-tê đã thể hiện sự thiếu tôn trọng một cách khó tin với Mỹ. Ông Đu-gơ Ban-đao, chuyên gia kỳ cựu tại Viện Ca-tô, nhận định: “Uy tín của Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi một quốc gia lâu nay vẫn được họ tài trợ và bảo vệ lại thể hiện sự thiếu tôn trọng đến như vậy…”.
May mắn cho Phi-líp-pin, Mỹ đã không trả đũa. Ông Ma-da nhấn mạnh: “Mối quan hệ chính thức giữa hai quốc gia trong các vấn đề ngoại giao, quốc phòng và quân sự vẫn rất vững chắc. Những mối liên hệ này, cùng thái độ tích cực của người dân Phi-líp-pin đối với Mỹ, chắc chắn sẽ hạn chế khả năng ông Đu-téc-tê thay đổi bản chất của mối quan hệ song phương”.
Ông Ma-da kết luận: “Ông Đu-téc-tê sẽ rút ra bài học là dù sớm hay muộn thì việc kết thân với Trung Quốc thực tế không có ích cho mục tiêu hướng đến một chính sách ngoại giao độc lập hơn của ông. Điều này có thể thấy được qua những kinh nghiệm của nhiều người tiền nhiệm. Và chắc chắn, Mỹ sẽ luôn chứng tỏ được họ sẽ là một đối tác đáng tin cậy hơn”./.
Theo Báo Tin Tức