Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma mới đây thừa nhận “sai lầm lớn nhất” trong hai nhiệm kỳ của mình là đã không đảm bảo được sự ổn định cho Li-bi sau cuộc nội chiến tại nước này cách đây 5 năm.
Bức tranh Li-bi 5 năm sau khi nhà lãnh đạo Mu-a-mát Ca-đa-phi bị lật đổ đang hiện ra với toàn gam màu tối. Và đây cũng là bức tranh toàn cảnh của nhiều nước ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi sau những chính biến.
Bước ngoặt “chia năm xẻ bảy”
Theo trào lưu “Mùa xuân Ả-rập” từng dẫn tới sự sụp đổ của chế độ tại Ai Cập và Tuy-ni-di, tháng 2-2011, các cuộc biểu tình đã bùng phát và lan rộng ra khắp đất nước Li-bi. Các cuộc biểu tình bạo lực khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây quan tâm theo dõi sát sao, đến tháng 3, Hội đồng Bảo an LHQ đã phê chuẩn chiến dịch không kích và áp đặt vùng cấm bay tại Li-bi với mục đích bảo vệ dân thường. Sự yểm trợ từ trên không được hợp pháp hóa ấy đã giúp các nhóm nổi dậy giành lợi thế trong cuộc chiến lật đổ chính quyền, ông Ca-đa-phi đã bị bắt giữ và sát hại dã man bởi các tay súng nổi dậy vào ngày 20-10 cùng năm. Nhưng sau “cột mốc” lịch sử mà người dân lúc đó gọi là “cách mạng”, mọi chuyện đã trở nên phức tạp hơn nhiều.
Các lực lượng nổi dậy chống Ca-đa-phi không thống nhất và không có chung mục đích, mà chỉ là một liên minh lỏng lẻo gồm hơn 2.000 nhóm vũ trang khác nhau. Xung đột lợi ích giữa họ đã có cơ bùng phát mạnh sau sự ra đi của nhà lãnh đạo cứng rắn Ca-đa-phi. Các phe phái bắt đầu cắn xé nhau nhằm tranh giành quyền lực, tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa khủng bố nảy mầm. Từ đầu năm 2015, LHQ đã nỗ lực thành lập một chính phủ thống nhất được phương Tây ủng hộ, nhưng chính quyền này vẫn chưa thực thi được bất cứ quyền lực nào trên thực địa.
Mùa xuân Ả-rập đã góp phần tạo ra làn sóng di cư tồi tệ nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những người dân Li-bi từng ăn mừng cuộc “cách mạng” chống lại ông Ca-đa-phi năm 2011 giờ đây hẳn đang nhớ về một thời kỳ đất nước ổn định trong những năm ông lãnh đạo. Bởi đất nước này bây giờ chỉ có máu pha với màu bụi, chỉ còn tiếng súng trộn lẫn tiếng bom. 5 năm sau cuộc “cách mạng” ấy, hàng triệu người đã phải rời bỏ quê hương, trong khi những người bị kẹt lại đang hằng ngày phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực thực phẩm - một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong cảnh mưa bom bão đạn.
Miếng mồi ngon cho khủng bố
Sau cuộc bầu cử tháng 7-2012, không ít người đã lạc quan về tương lai đất nước, mơ về một thời kỳ dân chủ và tự do. Nhưng 4 năm sau đó, thay vì việc người dân Li-bi có thể làm chủ vận mệnh của mình, thế giới lại chứng kiến đất nước này rơi vào vòng xoáy bất ổn khác. Từ tháng 8-2014, nhóm Hồi giáo Bình minh Li-bi đã chiếm đóng miền Tây, bao gồm Thủ đô Tri-pô-li và Thành phố Mi-ra-ta, lập ra chính phủ tự xưng với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp cũ (GNC), đẩy chính phủ dân bầu được quốc tế công nhận về Tobruk (miền Đông). Trong khi đó, thành phố lớn thứ hai Ben-ga-di rơi vào tay An-sa An Sa-ri, nhóm Hồi giáo nguy hiểm nhất Li-bi. Mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa cũng không bỏ qua “miếng mồi” ngon này và nhanh chóng giành một chỗ đứng, ở Thị trấn Đe-na (miền Đông).
Tồi tệ hơn, Li-bi là quốc gia duy nhất ngoài Xi-ri và I-rắc mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang thực sự kiểm soát lãnh thổ, một nhân tố chính khiến chi nhánh IS ở Li-bi trở thành “vòi bạch tuộc” nguy hiểm nhất của tổ chức này. Chúng đã tuyên bố các tỉnh của vương quốc Hồi giáo trên ba khu vực địa lý của Li-bi là Barqah ở phía Đông, Ta-ráp-lu ở phía Tây và Phi-dan ở phía Tây Nam, với trung tâm quyền lực đặt ở Si-tơ. Số người thiệt mạng kể từ năm 2011 đã nhiều hơn nhiều so với trong thời gian 42 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Ca-đa-phi. Bạo lực và hỗn loạn không từ một ngõ ngách nào trên cả nước.
Cơn ác mộng bất ổn chung
5 năm sau bạo lực và bất ổn chính trị, Li-bi dường như đã đứng trước ngưỡng cửa thành lập một chính phủ ổn định. Nhưng các xung đột chính trị từ năm 2011 vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cuộc xung đột này rõ ràng phức tạp hơn nhiều cuộc tranh giành quyền lực giữa GNC và Chính phủ do LHQ bảo trợ. Nội bộ GNC vẫn còn quá nhiều bất đồng. Và vấn đề lớn hơn trong nền chính trị Li-bi là liệu chính quyền mới có thể thực thi quyền lực hay không và bằng cách nào? Điều này tùy thuộc vào việc ai đang thực sự điều khiển Li-bi. Câu hỏi chưa có lời đáp.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ sáng màu của bức tranh Trung Đông - Bắc Phi sau "Mùa xuân Ả-rập". Phần còn lại là những gam màu xám xịt, nếu không muốn nói là đen tối, vô vọng.
Sau làn sóng “Mùa xuân Ả-rập”, một loạt các quốc gia Ả-rập đã lâm vào nội chiến đẫm máu (Li-bi, Xi-ri, Y-ê-men) hoặc những bất ổn chính trị do sự đấu đá giữa các đảng phái (Ai Cập), hàng trăm nghìn người Ả-rập vượt biển hòng tìm đến thiên đường châu Âu để tránh chiến tranh, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư lớn làm “nứt gãy” Lục địa Già. Sự suy yếu của các chính phủ đã mở đường cho sự trỗi dậy của IS ra toàn khu vực với quy mô vượt hơn cả mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa.
Tại Ai Cập, nhà lãnh đạo Hô-ni Mu-ba-rắc bị lật đổ trong một bối cảnh tương tự và sau đó, quân đội tiến hành đảo chính, tiếp tục hạ bệ Tổng thống Hồi giáo được dân bầu Mô-ha-mét Mô-si. Một cuộc bầu cử tổng thống diễn ra sau đó và Tư lệnh quân đội A-đen Pha-ta An Si-si dễ dàng lên nằm quyền, tiếp tục cuộc thanh trừng những người ủng hộ ông Mô-si, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người phải ngồi tù. Bạo lực thánh chiến cũng leo thang tại quốc gia Bắc Phi này, đặc biệt trên bán đảo Si-ai và IS đã có “đất dụng võ”, tiến hành các vụ tấn công tồi tệ.
Và nỗi thất vọng lớn nhất của Mùa xuân Ả-rập phải kể đến là Xi-ri khi các cuộc biểu tình hòa bình chống đối Tổng thống Ba-sa An Át-xát đã biến thành nội chiến thảm khốc. Cảnh “nồi da nấu thịt” ở quốc gia Trung Đông này đã cướp đi sinh mạng của hơn 260 nghìn người và buộc hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
"Mùa xuân Ả-rập" là một thời điểm trong lịch sử dẫn tới những dịch chuyển trên bản đồ địa chính trị. Nhưng để đạt được mục tiêu xuyên suốt ban đầu, quá trình chuyển đổi của các nước đòi hỏi nhiều thập kỷ với nhiều bạo loạn, đau thương./.
Theo baotintuc.vn