Dù là nhà phê bình hà khắc nhất cũng phải thừa nhận rằng tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc hiện nay cao hơn bất cứ một quốc gia dân chủ giàu có nào. Nhưng theo Nhật báo phố Wall, cái gì cũng có giá của nó.
Báo trên cho biết, mười mấy năm trước Trung Quốc không có mạng lưới đường sắt cao tốc, nhưng hiện nay, phạm vi bao phủ của đường sắt cao tốc Trung Quốc đã vượt qua cả biên giới châu Âu. Và không chỉ có đường sắt cao tốc, Trung Quốc còn đẩy mạnh xây dựng đường cao tốc thông thường, cầu cống, đập nước cùng nhà chọc trời. Hiện nay, dù là nhà phê bình hà khắc nhất cũng phải thừa nhận rằng tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cao hơn bất cứ một quốc gia dân chủ giàu có nào. Trong khi đó, Mỹ, cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới đã từ bỏ mô hình phát triển kinh tế dựa trên xây dựng cơ sở hạ tầng tốc độ cao.
Một vấn đề nữa, theo một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường kinh doanh Xây-đơ, Đại học Ốt-xpho (Anh), đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng với tốc độ cao của Trung Quốc vốn được các nhà quan sát bên ngoài tán tụng trên thực tế đã gây lãng phí lớn. Vượt chi xây dựng cơ sở hạ tầng tương đương 1/3 số nợ của nước này năm 2014, cho nên, trừ trường hợp Trung Quốc thu hẹp quy mô xây dựng cơ sở hạ tầng, nếu không nước này sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế gây ra bởi xây dựng cơ sở hạ tầng quá mức.
|
Hình ảnh những tòa chung cư vắng lặng ở “thành phố ma” Ordos phản chiếu qua gương. Ảnh: AFP |
Trên thực tế, giá trị sử dụng của phần lớn tuyến đường sắt mà Trung Quốc hoàn thành xây dựng không cao. Nếu hiệu suất sử dụng của các công trình này có thể phản ánh toàn diện hiệu suất xây dựng cơ sở hạ tầng thì Trung Quốc có thể không chỉ phải đối mặt với sự đổ vỡ về tài chính mà còn tạo ra thách thức đối với quan niệm truyền thống rằng càng xây dựng nhiều thì càng có lợi cho tăng trưởng kinh tế và khi đó, đối với Trung Quốc, xây dựng cơ sở hạ tầng có thể đẩy nước này tới con đường “tự hủy diệt”.
Cho dù Bắc Kinh đang thử tìm cách tái cân bằng giữa dịch vụ và tiêu dùng trong quá trình phát triển kinh tế, nhưng cùng với việc Trung Quốc tăng cường thúc đẩy xây dựng cơ sở để kích thích kinh tế phát triển, nợ đã trở thành điểm yếu chí mạng của kinh tế nước này. Theo ước tính của McKinsey & Company, từ năm 2000 đến năm 2014, nợ của Trung Quốc đã tăng lên mức 26.100 tỷ USD, vượt qua tổng số nợ của Mỹ, Nhật Bản và Đức cộng lại. Trong đó, nợ của các doanh nghiệp Nhà nước chiếm phần lớn và doanh nghiệp Nhà nước cũng là lực lượng chủ chốt tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cuối năm 2015, McKinsey & Company cho biết thêm tổng số nợ của Trung Quốc bao gồm nợ công Chính phủ, nợ của các địa phương Trung Quốc và nợ của các doanh nghiệp nước này ở thời điểm đó đạt gần 30 nghìn tỷ USD, tương đương 282% GDP, cao hơn nhiều so với mức 269% GDP của Mỹ hay 258% GDP của Đức. McKinsey & Company chỉ rõ nếu nợ của Trung Quốc tiếp tục tăng như thời gian qua thì tổng nợ của nước này có thể đạt 400% GDP vào năm 2018 - một gánh nặng khổng lồ gần như chắc chắn sẽ nhấn chìm Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng trước năm 2020.
Điều đáng nói là mấy năm lại đây, nhận thức chung về việc Trung Quốc mất kiểm soát trong xây dựng cơ sở hạ tầng tồn tại rộng rãi. Theo chuyên gia Xcốt Ken-nơ-đi thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Oa-sinh-tơn, Trung Quốc cần phải đẩy mạnh chi tiêu trên phương diện xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nhiều phương thức khác nhau, cần phải tăng đầu tư ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng thêm nhiều bệnh viện và trường học với trang thiết bị đầy đủ ở nông thôn./.
Theo Báo Tin Tức