Nga - Trung bắt đầu tập trận trên Biển Đông

08:09, 13/09/2016

Ngày 12-9, Nga và Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung, mang tên “Sea Cooperation - 2016”, trên Biển Đông.

Đây là một dấu hiệu về sự tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước.

Phát biểu với báo giới, Người phát ngôn văn phòng thông tin Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Nga, Đại tá I-go Đi-ga-lô nói: “Nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân chung Nga - Trung “Sea Cooperation - 2016”, diễn ra từ ngày 12 đến 19-9 tại khu vực Tây - Bắc Biển Đông, gần bờ biển của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)”. Tham gia cuộc tập trận này có 18 tàu và tàu hộ tống, 21 máy bay, hơn 250 lính thủy đánh bộ và 15 trang thiết bị quân sự.

 Xe tăng lội nước và lính thủy đánh bộ Trung Quốc trong một cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo tại tỉnh Sơn Đông . Ảnh: SCMP
Xe tăng lội nước và lính thủy đánh bộ Trung Quốc trong một cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo tại tỉnh Sơn Đông . Ảnh: SCMP

Cùng ngày, trong một thông cáo, Người phát ngôn Hải quân Trung Quốc Lương Dương cho biết cuộc tập trận kéo dài 8 ngày này sẽ tập trung vào những khoa mục “chiếm đóng và kiểm soát” các đảo và bãi đá.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tình hình xung quanh Biển Đông đang xấu đi. Tuy nhiên, ông Đi-ga-lô nhấn mạnh rằng “cuộc tập trận hải quân này không trực tiếp nhằm vào nước này và cũng không liên quan tới bất kỳ biến động nào của tình hình quân sự - chính trị ở khu vực đó”. Ông nêu rõ các cuộc tập trận hải quân chung Nga - Trung là hoạt động thông thường và “Sea Cooperation” sẽ là một đóng góp chung nữa của Nga và Trung Quốc nhằm củng cố an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên sẵn sàng thử hạt nhân tiếp

Ngày 12-9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới vào bất kỳ thời điểm nào.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Mun Sang Gun khẳng định: “Giới chức tình báo của Hàn Quốc và Mỹ cho rằng Triều Tiên sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân khác tại bãi thử Pung-gi-ri bất kỳ thời điểm nào”. Theo ông, “một vụ thử khác có thể được tiến hành ở một đường hầm tách ra từ đường hầm thứ 2 hoặc ở một đường hầm thứ 3, nơi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất”.

Tuy nhiên, ông Mun Sang Gun không cho biết thông tin chi tiết, đồng thời nhấn mạnh quân đội Hàn Quốc đã được đặt hoàn toàn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhằm đáp trả “các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo hoặc khiêu khích trên bộ tiếp theo” của Triều Tiên.

Trước đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên của Chính phủ Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới vào bất kỳ thời điểm nào tại một đường hầm thứ 3 chưa từng được sử dụng trước đó ở bãi thử Pung-gi-ri, địa điểm Triều Tiên từng tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, gần bờ biển phía Đông Bắc của nước này.

Cùng ngày, phát biểu với các quan chức quân sự cấp cao, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê khẳng định Tô-ky-ô sẽ kiên quyết không dung thứ cho Triều Tiên - vốn đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân kể từ đầu năm 2016, đồng thời nêu rõ việc Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân trong vòng chỉ 9 tháng là “điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

I-ran kêu gọi thiết lập cơ chế giám sát ngừng bắn tại Xi-ri

I-ran ngày 11-9 đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Xi-ri do Mỹ và Nga làm trung gian, đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải có một cơ chế giám sát toàn diện nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố lợi dụng thỏa thuận này.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran, ông Ba-ram Ga-sê-mi nói rằng Tê-hê-ran hoan nghênh bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào tại Xi-ri, qua đó tạo điều kiện để các hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể tiếp cận người dân ở những vùng khó khăn của Xi-ri.

Ông Ga-sê-mi nêu rõ I-ran kêu gọi tất cả các bên tuân thủ một thỏa thuận ngừng bắn bền vững và thúc đẩy một hệ thống giám sát toàn diện nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố lợi dụng để vận chuyển vũ khí và lực lượng. Theo quan chức Bộ Ngoại giao I-ran, tính liên tục và lâu dài của thỏa thuận ngừng bắn phụ thuộc vào cơ chế giám sát toàn diện, đặc biệt là việc kiểm soát những khu vực biên giới để ngăn chặn hoạt động của các nhóm khủng bố, nhất là hoạt động vận chuyển vũ khí và tài chính./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Hoàng Thị Hoài Phương

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com