Sau một thời gian trì hoãn, ngày 15-9, Chính phủ Anh đã “bật đèn xanh” cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinh-lây Pôn có vốn đầu tư của Trung Quốc, đồng thời áp đặt thêm những “biện pháp bảo vệ quan trọng” đối với an ninh quốc gia. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tạo lập sự tin tưởng đối với các đối tác châu Âu.
Chính phủ Anh đã đồng ý để Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cùng với đối tác của mình là Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba EPR ở Hinh-lây Pôn với mục tiêu đáp ứng 7% nhu cầu điện năng của Anh. Chủ tịch tập đoàn EDF, ông Giăng Béc-na Lê-vi đã hoan nghênh quyết định trên và cho rằng “quyết định của Chính phủ Anh đánh dấu sự hồi sinh của điện hạt nhân ở châu Âu”. Tuy nhiên, chính tại Trung Quốc, quyết định trên gây ra tác động mạnh bởi thời gian qua, Trung Quốc đã không che giấu tham vọng phát triển điện hạt nhân dân sự của mình.
Trở thành Thủ tướng Anh vào tháng 7-2016, bà Thê-rê-sa Mây đã quyết định xem xét lại chiến lược kinh tế của người tiền nhiệm là ông Đa-vít Ca-mơ-rôn, người quyết tâm đưa Anh trở thành đối tác số một của Trung Quốc - vị trí hiện đã bị Đức nắm giữ. Chính việc xem xét lại đó đã khiến Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), nơi cấp 7 tỷ trên tổng số vốn 21 tỷ ơ-rô cho đơn đặt hàng đầu tiên của loại hình này ở châu Âu kể từ khi xảy ra thảm họa Phu-cu-si-ma năm 2011, bị mất mát, thua thiệt nhiều trong hồ sơ này. Và đây không phải là dự án duy nhất của Trung Quốc tại Anh.
|
Phối cảnh dự án điện hạt nhân Hinh-lây Pôn mà Trung Quốc góp vốn khủng đầu tư tại Anh. Ảnh: Internet
|
Dưới thời Thủ tướng Đa-vít Ca-mơ-rôn, chính sách cởi mở đối với Trung Quốc nhằm thu hút đầu tư kết hợp với chuyến thăm Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10-2015, đã thiết lập nền tảng cho một số dự án công nghiệp và hạt nhân. Bên cạnh dự án nhà máy điện hạt nhân Hinh-lây Pôn, còn phải kể đến thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc về việc xây dựng một nhà máy điện tại Si-dơ-oen, miền Đông nước Anh, cho bộ đôi Trung - Pháp, trong đó Trung Quốc tài trợ 2/3 vốn đầu tư, và một nhà máy 100% công nghệ của Trung Quốc ở Bra-oen, hạt Ếch-xe, cách Luân Đôn khoảng 100km. Do đã làm chủ công nghệ lò phản ứng hạt nhân kể từ năm 2015, với việc xây dựng một lò phản ứng có tên Hua Long-1, Trung Quốc hiện đã trở thành đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc, chia sẻ thị trường quốc tế trong lĩnh vực này. Nhà máy điện tại Bra-oen sẽ trở thành nơi trưng bày và giới thiệu công nghệ điện hạt nhân của Trung Quốc tại các nước phương Tây sau khi nước này đã ký các hợp đồng tương tự với Pa-kít-xtan vào năm 2014 và Ác-hen-ti-na vào năm 2015.
Các dự án điện hạt nhân của Trung Quốc và đối tác là tập đoàn EDF của Pháp bị đe dọa nghiêm trọng khi Luân Đôn hoãn phê chuẩn thỏa thuận xây dựng các lò phản ứng mới. Báo Anh The Telegraph cho biết sự trì hoãn này chứng tỏ sự mất lòng tin của Chính phủ mới của Anh đối với đối tác Trung Quốc liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Vụ việc đã khiến Trung Quốc không hài lòng và ít nhiều ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa Luân Đôn và Bắc Kinh.
Mặc dù Chính phủ Anh đã quyết định tiếp tục dự án Hinh-lây Pôn, nhưng phản ứng từ phía các cơ quan ở Trung Quốc rất khác nhau. Trong khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh hoan nghênh quyết định của Chính phủ Anh thì hãng tin Tân Hoa Xã lại chỉ trích gay gắt “những quan ngại hư cấu về an ninh quốc gia liên quan đến các dự án đầu tư của Trung Quốc”.
Dẫu sao cũng phải thừa nhận rằng bấy lâu nay, Trung Quốc luôn thể hiện hình ảnh của một quốc gia thiếu tôn trọng các bí mật công nghiệp. Tai tiếng đó đã làm phức tạp hóa việc Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ và các đồng minh khác như Ốt-xtrây-li-a, đồng thời cũng buộc các nước châu Âu phải coi trọng vấn đề an ninh trong các dự án với Trung Quốc./.
Theo TTXVN