Như vậy, dự luật JASTA chính thức trở thành luật. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Ô-ba-ma và A-rập Xê-út, đồng minh lâu đời của Mỹ trong thế giới A-rập...

Các nghị sĩ Mỹ trả lời phỏng vấn sau khi Hạ viện vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống B.Ô-ba-ma về dự luật JASTA. Ảnh: sbs.com.au
Các nghị sĩ Mỹ trả lời phỏng vấn sau khi Hạ viện vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống B.Ô-ba-ma về dự luật JASTA. Ảnh: sbs.com.au

Dự luật JASTA cho phép những người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kiện các chính phủ nước ngoài tại tòa án liên bang Mỹ và đòi bồi thường nếu những chính phủ đó bị chứng minh phải chịu trách nhiệm trong các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ. Mặc dù là một đồng minh lâu năm của Mỹ, song A-rập Xê-út lại là quê hương của 15 trong số 19 tên không tặc tham gia vào vụ tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại thế giới tại Niu Y-oóc, Lầu Năm Góc và Pen-xin-va-ni-a cách đây 15 năm.

Dự luật JASTA đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 5 và Hạ viện phê chuẩn ngày 9-9 vừa qua. Ngày 23-9, Tổng thống Ô-ba-ma đã phủ quyết dự luật JASTA vì cho rằng dự luật này sẽ “gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Tuy nhiên, trong hai cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện và Hạ viện diễn ra ngày 28-9, các nghị sĩ đã vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đối với dự luật JASTA. Reuters dẫn nguồn tin chính thức từ Quốc hội Mỹ cho biết, với kết quả áp đảo gần như tuyệt đối (97 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống), Thượng viện Mỹ đã có nhiều hơn đa số phiếu tối thiểu theo luật định để qua đó vô hiệu hóa quyết định phủ quyết dự luật JASTA của ông Ô-ba-ma. Đây cũng là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ có đủ số phiếu cần thiết để vô hiệu hóa một quyết định phủ quyết trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Ô-ba-ma. Chỉ có duy nhất lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Ha-ri Rết (Harry Reid) bỏ phiếu tán thành quyết định phủ quyết của Nhà Trắng. Đa số các Thượng nghị sĩ Mỹ cho biết, họ không muốn bị đánh giá là “yếu đuối” trước những đối tượng bảo trợ khủng bố.

Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng ngày, với tỷ lệ áp đảo 338 phiếu thuận và 74 phiếu chống, vượt qua mức đa số 2/3 cần thiết theo luật định, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyết định phủ quyết dự luật JASTA của Tổng thống Ô-ba-ma, qua đó giúp JASTA chính thức trở thành luật.

Động thái này được coi là “một đòn choáng váng” đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Ô-ba-ma chỉ vài tháng trước khi ông rời nhiệm sở. Phát biểu ngày 28-9, Tổng thống Ô-ba-ma cho rằng, đây là một sai lầm, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và về cơ bản mang động cơ chính trị.

Trong một bức thư gửi tới lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ, ông Ha-ri Rết, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh, việc thực thi luật trên sẽ làm xói mòn các quy tắc về miễn trừ của một quốc gia. Ông tuyên bố đồng cảm sâu sắc với gia đình các nạn nhân vụ 11-9-2001, nhưng JASTA sẽ “gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ” khi các công dân Mỹ phải đối mặt các vụ kiện dân sự liên quan tới các phái bộ quân sự ở nước ngoài. Ngoài ra, Tổng thống Ô-ba-ma cũng chỉ trích một số nghị sĩ thừa nhận rằng họ bỏ phiếu về dự luật này, song không hiểu nội dung văn bản này.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Giô-sơ Ơ-nét (Josh Earnest) cho rằng, việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Ô-ba-ma là "điều khó hiểu nhất" của cơ quan lập pháp này trong nhiều thập kỷ qua. Ông cho rằng, nhiều Thượng nghị sĩ sẽ phải hối hận và chịu trách nhiệm về hành động này.

Giới quan sát nhận định, việc JASTA chính thức trở thành luật sẽ khiến quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và A-rập Xê-út trở nên căng thẳng, tạo tiền lệ cho các nước khác ban hành điều luật tương tự. Khi đó, quân đội Mỹ, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ có thể bị khởi kiện ở nước ngoài. Đồng thời, tài sản của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu.

Theo qdnd.vn